Chính quyền lý giải nguyên nhân Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn chậm tiến độ

02/09/2024 - 16:26
(Bankviet.com) Trao đổi với Báo Công Thương, lãnh đạo UBND xã Chàng Sơn đã nêu lý do khiến Dự án Cụm công nghiệp Chàng Sơn giai đoạn 2 chậm tiến độ.
Hà Nội thành lập 3 khu, cụm công nghiệp làng nghề Vì sao chậm triển khai Cụm công nghiệp Chàng Sơn? Cụm Công nghiệp làng nghề Chàng Sơn chậm tiến độ để vịt bơi, Công ty Hoàng Hưng Tiến không đủ năng lực thi công?

Chính quyền khẳng định 'không ép dân'

Mới đây, Báo Công Thương đã phản ánh về tình trạng Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn giai đoạn 2 (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) chậm tiến độ, đất bị bỏ hoang hóa. Được biết, Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn (sau đây gọi tắt là Dự án) đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2026/QĐ- UBND ngày 23/4/2019 với tổng diện tích gần 15,3ha và được yêu cầu khởi công từ quý III/2019 đến quý I/2021.

Mặc dù là dự án có ý nghĩa quan trọng, được kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của xã Chàng Sơn nói riêng và huyện Thạch Thất nói chung, tuy nhiên, từ khi được phê duyệt (năm 2019) cho đến nay, dự án này vẫn chưa thể triển khai theo đúng tiến độ, nhiều khu vực biến thành nơi chăn thả vịt, hay bãi chứa rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc dự án bị chậm tiến độ có một phần nguyên nhân từ việc gần nhiều hộ dân tại xã Chàng Sơn chưa đồng ý với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Trong đó, có nhiều hộ dân tại thôn 1, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội.

Tại buổi làm việc với Báo Công Thương, ông Nguyễn Trần Vượng, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho biết, đối với Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn giai đoạn 2, hiện đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện tuyên tuyền, vận động người dân kê khai, kiểm đếm, giải phóng mặt bằng đạt gần 83%. Trong số gần 83% có khoảng 80% số hộ đã được nhận đền bù giải phóng mặt bằng. Tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng 70 tỷ đồng.

Về vấn đề người dân có một số phản ánh liên quan đến công tác đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Vượng cho biết, những tâm tư, băn khoăn của người dân là hoàn toàn chính đáng.

Chính quyền lý giải nguyên nhân Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn chậm tiến độ
Dù được phê duyệt từ năm 2019 nhưng cho đến nay, khu đất Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn vẫn trong tình trạng bỏ trống, cỏ mọc um tùm.

"Người dân cũng có trông chờ xem việc sửa đổi Luật Đất đai có thay đổi gì không về mặt quyền lợi. Nhưng đến giờ phút này Luật Đất đai dù có những điểm mới nhưng liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án cụm công nghiệp thì cơ bản không có nhiều thay đổi.

Về giá, theo như quy định mới nhất của nhà nước ban hành thì giá tiếp tục ổn định đến 31/12/2025. Có một việc nữa là ở đây là làng nghề, cho nên người ta có nhu cầu, đề nghị khi thu hồi đất có nhu cầu mong muốn sau này được xét duyệt hoặc cho thuê, tạo điều kiện để người ta có mặt bằng sản xuất. Tuy nhiên, việc này phải thực hiện theo quy định pháp luật. Do đó, người dân còn có tâm tư và băn khoăn. Điều đó hoàn toàn chính đáng”, ông Nguyễn Trần Vượng cho hay.

Đối với thông tin người dân cho rằng cán bộ xã gây sức ép đối với người dân trong quá trình vận động giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Trần Vượng khẳng định, cấp uỷ, chính quyền địa phương xã Chàng Sơn đã làm đúng quy định, không có việc ép buộc người dân.

"Khi đi xuống tuyên truyền vận động hộ gia đình mà đồng thuận thì cán bộ chuyên trách, thành viên tổ công tác sẽ có trách nhiệm hướng dẫn để người dân kê khai hoàn thiện hồ sơ, không ai ép được ai cả. Không có chuyện chính quyền dùng biện pháp này, cách thức khác để ép dân”, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn khẳng định.

Chính quyền xã lý giải nguyên nhân Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn chậm tiến độ?
Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho biết, các quy trình về đền bù, bồi thương giải phóng mặt bằng đã được địa phương thực hiện đúng quy định. (Ảnh: Quốc Việt)

Lý giải nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho rằng, dự án bị chậm tiến độ là do những thay đổi trong cơ chế chính sách, quá trình tổ chức triển khai thực hiện có những bất cập, việc quy chủ phải rà soát xác minh một số trường hợp nên chậm thời gian. Về vấn đề này, địa phương và chủ đầu tư cũng đã có báo cáo xin thành phố cho gia hạn thời gian thực hiện dự án, cố gắng tới quý III, chậm nhất quý IV/2024 sẽ cơ bản xong giải phóng mặt bằng.

Một số hộ dân chưa đồng tình với phương án đền bù

Như Báo Công Thương đã thông tin, tại Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn giai đoạn 2, chủ đầu tư mới chỉ đổ đất san lấp mặt bằng trên một diện tích rất nhỏ trong tổng số 15,3 ha đất dự án. Một số vị trí trong dự án đã xuất hiện tình trạng vứt rác bừa bãi. Tất cả đã tạo nên một khu dự án nhếch nhác, hoang hoá.

Đi sâu vào bên trong khu vực dự án, phóng viên còn bắt gặp những tấm biển ghi dòng chữ “cấm đổ đất” hoặc “ruộng chưa lấy tiền, không đổ đất”. Theo chia sẻ của một người dân địa phương, những tấm biển này được một số gia đình chưa đồng ý với phương án đền bù dựng lên, nhằm ngăn đơn vị thi công đổ đất san lấp. Trên các phần diện tích được cắm biển, có hộ dân còn trồng một số hoa màu. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến Dự án bị chậm tiến độ.

Trao đổi với phóng viên, một số hộ dân tại thôn 1 cho rằng, mặc dù giữa chính quyền và người dân chưa tìm được tiếng nói chung, người dân chưa đồng ý với các chính sách đền bù, bồi thường, tuy nhiên, người dân lại nhận được các văn bản, thông báo về việc họ sẽ bị cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc.

Theo ông Chu Văn Thành (sống tại thôn 1, xã Chàng Sơn), gia đình nhà ông có 532m2 đất nằm trong Dự án cụm công nghiệp Chàng Sơn giai đoạn 2. Mặc dù gia đình ông hiện chưa ký kết bất cứ giấy tờ nào về thu hồi đất nhưng UBND xã Chàng Sơn đã gửi thông báo cưỡng chế. Cùng với ông Thành, tại thôn 1 còn có trường hợp của gia đình ông Lê Quốc Toản và gia đình ông Nguyễn Văn Khôi cũng có kiến nghị tương tự.

Giải thích về vấn đề trên, ông Nguyễn Trần Vượng cho biết, về quy trình thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tiên phải tiến hành kiểm đếm diện tích thực tế, sau đó mới lên dự thảo phương án đền bù. Dự thảo sẽ được gửi tới các hộ dân. Nếu các hộ dân đồng thuận, chính quyền sẽ tiếp tục việc chi trả tiền bồi thường và ra quyết định thu hồi đất.

"Trường hợp người dân không phối hợp kiểm đếm, chính quyền sẽ thực hiện tuyên truyền, vận động. Nếu các hộ vẫn không đồng ý, sẽ tiến hành cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc", Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn khẳng định.

Như vậy, đến nay những vướng mắc tại Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn giai đoạn 2 vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do nhiều lý do chủ quan và khách quan. Trong đó, có lý do đến việc một số người dân chưa đồng tình với phương án đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Để có thể đẩy nhanh tiến độ dự án, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía chính quyền nhằm đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng được triển khai triệt để, có hiệu quả. Cùng với đó, các hộ dân có đất bị thu hồi cũng cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng theo đúng các quy định của pháp luật, từ đó sớm triển khai dự án và đưa vào hoạt động, tránh để lãng phí đất đai.

Phong Lâm

Theo: Báo Công Thương