Các nỗ lực kích thích nền kinh tế do chính quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba sẽ được chú ý trước cuộc bầu cử thượng viện vào mùa hè năm sau, sau màn thể hiện kém cỏi của liên minh cầm quyền của ông trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10/2024. Các nhà phân tích cũng cảnh báo về rủi ro suy giảm từ cách tiếp cận theo chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đối với thương mại quốc tế.
Takafumi Fujita, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, cho biết: “Người ta lo ngại rằng mức thuế cao hơn mà Tổng thống Trump áp đặt đối với Trung Quốc và các nước khác có thể gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu, cuối cùng giáng một đòn mạnh vào Nhật Bản”.
Liên minh cầm quyền do Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Ishiba lãnh đạo đã mất quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử, kết quả là khối này cần sự hợp tác từ các đảng đối lập để thông qua các dự luật và ngân sách ở hạ viện.
Với các hộ gia đình đang gặp khó khăn do giá cả tăng, người ta sẽ chú ý đến việc liệu mức tăng lương đáng kể vào năm 2024 có tiếp tục kéo dài sang năm tới và giúp cải thiện tâm lý người tiêu dùng hay không.
Tiền lương, sau khi được điều chỉnh bởi tỷ lệ lạm phát cho thấy đã không tăng ổn định trong năm 2024 và dự kiến sẽ không ổn định vào đầu năm 2025. Rõ ràng, Thủ tướng Ishiba đã thấy cần phải tập trung vào việc củng cố tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia.
Để làm được điều đó, Chính phủ của Thủ tướng Ishiba đã xây dựng gói kích thích trị giá 39 nghìn tỷ Yên (249 tỷ USD) cho năm tài chính 2024, kéo dài đến tháng 3/2025, bao gồm các khoản trợ cấp để hạn chế chi phí năng lượng tăng cao trong quý I/2025 và hỗ trợ tiền mặt một lần cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Chuyên gia kinh tế Fujita cho biết: “Tiền lương thực tế có thể sẽ tăng trong quý II/2025 hoặc muộn hơn khi giá năng lượng được dự đoán sẽ ổn định, nhờ mức lương cao hơn dự kiến sau các cuộc đàm phán lương hàng năm vào mùa xuân tới”.
Theo Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản, trong năm 2024, các công ty Nhật Bản đã đồng ý tăng lương trung bình 5,10% trong các cuộc đàm phán về lương mùa xuân "shunto" giữa ban quản lý và liên đoàn lao động, đưa ra mức tăng hơn 5% lần đầu tiên sau 33 năm. .
Đối với năm 2025, liên đoàn đã quyết định yêu cầu tăng lương từ 5% trở lên, nhằm duy trì đà tăng trưởng tiền lương.
Liên đoàn cũng tìm cách hiện thực hóa mức tăng lương từ 6% trở lên đối với các công ty vừa và nhỏ, chiếm khoảng 70% lực lượng lao động của đất nước, vì nhân viên của họ có xu hướng nhận được mức tăng khiêm tốn hơn so với công nhân ở các công ty lớn.
Kenta Domoto, một nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Mitsubishi, dự đoán rằng việc tăng lương sẽ tiếp tục đến năm 2025.
Ông Domoto cho biết: “Khi nhiều cá nhân muốn chuyển đổi công việc, các công ty thường đưa ra mức lương cao hơn để thu hút nhân tài”, đồng thời cho biết thêm rằng các doanh nghiệp cũng buộc phải trả nhiều tiền hơn cho nhân viên hiện tại để giữ chân họ.
Trong số các tổ chức công và tư nhân, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự kiến nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,5% vào năm 2025, nhờ tăng lương và đầu tư của doanh nghiệp.
Các nhà phân tích dự báo chi tiêu vốn sẽ vẫn ổn định vào năm 2025 vì các công ty sẽ tập trung hơn vào đầu tư đối với các lĩnh vực từ khử cacbon đến số hóa cũng như nỗ lực cải thiện năng suất.
Nhưng sức mạnh xuất khẩu của Nhật Bản trong bối cảnh triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu không chắc chắn hiện bị nghi ngờ, đặc biệt là sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1 với phong cách lãnh đạo khó lường và chính sách "Nước Mỹ trên hết".
Shunsuke Kobayashi, nhà kinh tế trưởng tại Mizuho Securities Co., kỳ vọng đề xuất giảm thuế của Tổng thống Donald Trump sẽ hỗ trợ kinh tế Mỹ và mang lại tác động tích cực cho các công ty Nhật Bản hoạt động tại đây.
Nhưng ông Kobayashi cũng cảnh báo về mức thuế cao hơn mà Tổng thống Trump đã cam kết áp đặt đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, ước tính rằng mức thuế bổ sung 10% sẽ đẩy GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,13 điểm phần trăm.
Ngoài ra, chính sách thương mại của ông Donald Trump gần như chắc chắn sẽ gây ra căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, và bất kỳ động thái trả đũa nào của Bắc Kinh đều có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.
Theo ông Kobayashi, diễn biến như vậy có thể làm giảm GDP thực tế của Nhật Bản thêm 0,12 điểm.
Ông Kobayashi cho biết: “Nếu điều đó xảy ra, đầu tư vốn sẽ giảm do kỳ vọng xuất khẩu sẽ giảm, cuối cùng ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nói chung”. Ông nói thêm, kết quả như vậy có thể khiến các công ty ngần ngại tăng lương.
Hải Yến