Chủ động tăng quy mô gói tín dụng hỗ trợ lâm thủy sản

02/10/2024 - 22:26
(Bankviet.com) Sau cơn bão số 3 (Yagi), ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc, bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều hội và hiệp hội ngành thủy sản đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp và người nuôi thủy sản sớm ổn định sản xuất.

Trước tình hình này, trong phiên họp thường kỳ tháng 8/2024, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Trong đó, nghiên cứu tăng quy mô gói tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản từ 30.000 tỷ đồng lên 60.000 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi sau bão lũ. Theo đó, việc bổ sung thêm hạn mức cho gói tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản này, hầu hết các chi nhánh NHTM đang khá tích cực trong giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực thủy sản.

Số thống kê của NHNN cho thấy, đến giữa tháng 9/2024, gói tín dụng lâm, thủy sản đã giải ngân cho vay đạt 36.000 tỷ đồng, vượt 6.000 tỷ đồng so với hạn mức 30.000 tỷ đồng được bổ sung hồi tháng 2/2024.

Thực tế, việc tăng hạn mức cho gói tín dụng hỗ trợ lâm thủy sản nhiều khả năng sẽ được các NHTM chủ động chỉ đạo hệ thống các chi nhánh tại các địa phương thực hiện. Bởi trước đó, gói tín dụng này được đánh giá là một trong những gói tín dụng hỗ trợ lãi suất có tốc độ giải ngân nhanh và hỗ trợ rất hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp.

5a11620240925154758.jpg
Việc các NHTM mở rộng quy mô gói tín dụng ưu đãi sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngành thủy sản vay bổ sung vốn lưu động, mạnh dạn phát triển các đơn hàng xuất khẩu các tháng cuối năm

Lần đầu giải ngân tổng hạn mức 15.000 tỷ đồng (bắt đầu triển khai từ giữa tháng 7/2023) theo kế hoạch phải đến cuối tháng 6/2024 mới kết thúc. Nhưng đến cuối tháng 1/2024, 13 ngân hàng tham gia chương trình đã hoàn thành cho vay 15.000 tỷ đồng đối với cho hơn 60.000 lượt khách hàng. Và ngay khi NHNN có chỉ đạo tăng quy mô gói vay này lên mức 30.000 tỷ đồng, các TCTD đã lập tức bố trí vốn tăng thêm để giải ngân cho vay với hàng nghìn khách hàng mới.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các ngân hàng thương mại tăng quy mô gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản thời điểm hiện nay là rất cần thiết vì không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân ở các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả thiệt hại sau mưa lũ, mà thời điểm này các doanh nghiệp ngành thủy sản đang có nhu cầu vốn rất lớn để chuẩn bị thu mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu các tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho rằng, thời gian qua nhiều doanh nghiệp tồn kho lớn, khó khăn về dòng tiền đã tiếp cận được các khoản vay ưu đãi của ngân hàng. Việc các NHTM tăng quy mô gói vay lên đến 60.000 tỷ đồng, kết hợp với việc đơn giản hóa và linh hoạt hơn về thủ tục, hồ sơ vay vốn thì nhiều cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có thể tiếp cận 40-50% tổng hạn mức tín dụng của gói vay này, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn phục vụ thu mua, chế biến xuất khẩu các tháng cuối năm 2024.

Theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng tại NHNN và chi nhánh NHTM các tỉnh thành phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau cho thấy, hiện nay, việc cho vay gói tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản vẫn có sự tăng trưởng nhanh, mặc dù tổng giải ngân đã vượt qua 36.000 tỷ đồng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, gói tín dụng này đã giải ngân hỗ trợ gần 200 khách hàng doanh nghiệp, cá nhân hộ gia đình nuôi trồng, sản xuất chế biến thủy sản tại khu vực Cần Giờ. Tại Đồng Tháp, tính đến cuối tháng 8/2024, dư nợ lũy kế đối với gói tín dụng này đạt mức 281 tỷ đồng, tăng khá mạnh so với quý đầu năm. Trong khi đó, tại Cà Mau, doanh số giải ngân lũy kế của gói tín dụng này đến tháng 8 vừa qua cũng đạt gần 4.390 tỷ đồng với 31 lượt khách hàng vay vốn. Hầu hết các khách vay đều tiếp cận mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 1-2%/năm so với các khoản vay thương mại thông thường, phổ biến ở mức 5,3%/năm (đối với vay USD quy đổi) và 6,5%/năm (đối với vay ngắn hạn VND).

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Ngân hàng đồng hành tăng quy mô các gói vay hỗ trợ lãi suất đồng thời triển khai nhanh chóng các chương trình ưu đãi khắc phục hậu quả bão lũ thời gian qua đã giúp doanh nghiệp, người dân có động lực khôi phục sản xuất, kinh doanh rất lớn. Riêng đối với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, khi các ngân hàng mở rộng quy mô lên gấp đôi sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngành thủy sản nhất là các ngành hàng tôm và cá tra vay bổ sung thêm vốn lưu động, từ đó mạnh dạn phát triển các đơn hàng xuất khẩu cuối năm, giữ vững vị thế top các kim ngạch xuất khẩu có giá trị từ 3 tỷ USD trở lên.

Thạch Bình

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ