Chủ tịch Quốc hội: Di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển

17/04/2024 - 20:36
(Bankviet.com) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển, cần được bảo tồn và phát huy.
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội "đóng góp thiết thực" cho quan hệ Việt-Trung Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật Khai mạc Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Kỳ vọng tạo thay đổi căn bản về quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa

Sáng 17/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Cho rằng việc sửa đổi căn bản Luật Di sản văn hóa là phù hợp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận dự án Luật được soạn thảo công phu, nghiêm túc, nội dung cơ bản thể chế hóa chủ trương của Đảng về văn hóa và di sản văn hóa nói riêng, nhất là sau khi tổng kết 80 năm đề cương văn hóa Việt Nam và Hội nghị văn hóa, Diễn đàn văn hóa được tổ chức công phu. Một số luật như Luật Đất đai, Luật Lưu trữ… tạo điều kiện để sửa đổi luật đồng bộ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng đến nay, dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới; đồng thời, bày tỏ kỳ vọng sẽ tạo bước thay đổi căn bản trong quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Góp ý về chính sách nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển, cần được bảo tồn và phát huy, mối quan hệ bảo tồn và phát huy cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật, với tinh thần kiến tạo phát triển.

Theo đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung chủ trương, chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư, kinh tế văn hóa…

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn phát huy di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền…

Về bố cục và nội dung, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề có cần thiết tách chương riêng (chương 4 dự thảo Luật) về bảo vệ phát huy giá trị tư liệu hay không? Bởi di sản tư liệu chính là di sản văn hóa vật thể như di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia… hiện được bảo quản, lưu trữ tại các viện bảo tàng, thư viện, trung tâm lưu trữ và lưu trữ tại nơi gắn với di tích như đền, chùa, đình làng… đều có quy định, quy trình quản lý, nếu có chương riêng quy định liệu có chồng lấn với các quy định khác.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội gợi ý xem xét để quy định trong chương 3 dự thảo Luật; đồng thời nên bổ sung trong giải thích từ ngữ khái niệm hiện vật có giá trị đặc biệt.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm tính tương thích, đồng bộ dự thảo Luật này với các luật trong hệ thống pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…

Cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa, hồ sơ dự thảo luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, tương đối đầy đủ.

Chủ tịch Quốc hội: Di sản văn hóa cần được coi là nguồn lực cho phát triển
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Trong hồ sơ dự thảo luật, các chính sách mới đã được xem xét, đánh giá tương đối kỹ, dự thảo có nhiều quy định mới về phân công, phân cấp ảnh hưởng. Các quy định này có ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn lực, kinh phí thực hiện, cần xem xét kỹ tính khả thi để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Bàn về sự thống nhất giữa dự thảo luật này với Luật Quy hoạch hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, Luật Quy hoạch chỉ có quy định danh mục quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, không có quy hoạch di tích danh lam thắng cảnh.

Theo dự thảo luật, trong quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lại tách ra thành loại di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt với loại di tích thông thường, với thẩm quyền, quy trình thủ tục khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hai phần này vẫn nằm trong loại quy hoạch đã được quy định, hay bổ sung thêm quy hoạch mới, căn cứ lập quy hoạch này như thế nào, loại quy hoạch nào được tổ chức thực hiện trong quy hoạch quốc gia?

Liên quan đến thủ tục hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, các cơ chế xin ý kiến bộ, ngành trung ương rồi gửi về UBND tỉnh/thành phê duyệt còn chưa rõ ràng, chưa có tiêu chí phân biệt vấn đề nào thì phải thực hiện xin ý kiến, việc xác định phạm vi trách nhiệm còn bất cập, vì vậy, cần nghiên cứu kỹ để quy định phù hợp hơn về cơ chế này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhất trí cao việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa hiện hành. Đồng thời nhận thấy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rất cố gắng xây dựng dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Hồ sơ dự án Luật đảm bảo quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cho rằng dự án Luật được chuẩn bị tương đối công phu, tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần rà soát thêm về tính thống nhất của dự án Luật trong hệ thống pháp luật, đồng thời cần rà soát để khắc phục những vấn đề chồng chéo giữa Luật Di sản văn hóa và các luật khác. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh, một số vấn đề bổ sung cũng chưa được đánh giá tác động.

Liên quan đến tính thống nhất của dự án Luật này với các luật khác cũng như Luật hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Do đó, cần xem xét giữa di sản tư liệu và bảo vật quốc gia được quy định trong dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với tài liệu lưu trữ, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quy định trong Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Đồng thời, cần tiếp tục rà soát và mở rộng phạm vi các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Điều 100 của dự thảo Luật), bổ sung ít nhất 4 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên qua rà soát, dự thảo Luật vẫn còn thiếu các ngành nghề khác mà chưa quy định.

Vì vậy, cần nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết bổ sung các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Việc bổ sung cần đảm bảo chủ trương là không làm tăng chi phí tuân thủ một cách bất hợp lý và đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương