Chủ tịch Quốc hội: Lương sẽ tăng 5-7% mỗi năm để khu vực công ngang bằng với khu vực sản xuất

21/10/2023 - 02:49
(Bankviet.com) Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cải cách tiền lương là vấn đề đại sự, tinh thần cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Dự kiến, sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5-7% để tiến tới trong thời gian ngắn lương khu vực công ngang bằng với mức lương ở khu vực sản xuất.
16.10-chu-tich-qh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5-7% để tiến tới trong thời gian ngắn lương khu vực công ngang bằng với mức lương ở khu vực sản xuất.

Trước thềm Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri quận Đồ Sơn.

Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần khẳng định quan điểm "không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", trong đó, cải cách tiền lương chính là một trong những nội dung thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Trong khi chờ tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương, Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023 để góp phần giúp cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, trong đó nêu rõ: “Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV”.

Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến và quyết định việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2024.

Về nguồn lực, Chủ tịch Quốc hội thông báo "đến nay, chúng ta cũng đã chuẩn bị được khoảng 500 nghìn tỷ đồng cho công tác cải cách chính sách tiền lương".

Từ nay cho đến thời điểm dự kiến thực hiện ngày 1/7/2024 cần tập trung hoàn thiện vị trí việc làm, chức danh, chức vụ công tác làm cơ sở cho việc cải cách tiền lương.

Chủ tịch nhấn mạnh, tinh thần cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Dự kiến, sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5-7% để tiến tới trong thời gian ngắn lương khu vực công ngang bằng với mức lương ở khu vực sản xuất.

Từ nay đến thời điểm dự kiến thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương vào ngày 1/7/2024, các cơ quan hữu quan đang tập trung để hoàn thiện dự thảo chính sách, hệ thống thang bảng lương…

Làm sao để "miếng bánh" ngân sách dành cho tiền lương lớn lên

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, căn cứ nội dung cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gồm 6 nội dung.

Trong đó, hệ thống bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, gồm 5 bảng lương: 1 bảng lương chức vụ, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập) từ Trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.

Cùng với đó, sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm cơ cấu tiền lương mới, gồm: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp). Hoàn thiện chế độ nâng lương đồng bộ với ban hành bảng lương mới.

Một nội dung quan trọng để bảo đảm tính khả thi là nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương mới.

Nội dung cuối cùng là quản lý tiền lương và thu nhập; trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện; áp dụng tiền lương tăng thêm; khoán quỹ tiền lương.

Theo Bộ trưởng, chưa bao giờ chính sách tiền lương được xây dựng một cách bài bản, toàn diện với nhiều nội dung đột phá như vậy.

Về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ để trình các cấp có thẩm quyền dự kiến từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện chế độ tiền lương mới đồng bộ, thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Giai đoạn sau năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh các mức lương trong các bảng lương tăng thêm để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi đạt mục tiêu của Nghị quyết này.

Bộ trưởng cho rằng, để đảm bảo lộ trình cải cách tiền lương bền vững, đạt được mục tiêu đề ra, có nhiều việc phải làm cả trước mắt và lâu dài. Đặc biệt phải làm sao để "miếng bánh" ngân sách dành cho tiền lương lớn lên và số người hưởng ngân sách ở mức hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước, phục vụ nhân dân.

Chúng ta sẽ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng nguồn thu, tiết kiệm các khoản chi khác ngoài lương, đồng thời tinh gọn tổ chức bộ máy, gắn với tinh giản biên chế ở mức hợp lý.

Bên cạnh thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, các cơ quan cũng cần tiếp tục tăng thu, tiết kiệm chi và xây dựng giải pháp căn cơ về tạo nguồn cho cải cách chính sách tiền lương.

Trong đó, cần xác định xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Hoàn thiện thể chế công vụ, đảm bảo trả lương theo chức danh lãnh đạo, vị trí việc làm…

Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trong đó tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sắp xếp các đơn vị sự nghiệp; tinh giản biên chế đúng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII…

"Tôi hy vọng với sự quan tâm của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội và chuẩn bị kỹ lưỡng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chúng ta sẽ đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, đáp ứng sự mong chờ của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bấy lâu nay", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ.

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội của Quốc hội vẫn lo ngại việc cải cách chưa thể kéo giảm được chênh lệch thu nhập tiền lương của khu vực công và khu vực tư như tinh thần của Nghị quyết 27.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương phải đồng bộ với quá trình cải cách thủ tục hành chính và phải tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Quan trọng nhất là áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, kinh tế số, để giảm tối đa lao động thủ công, mà vẫn tăng năng suất lao động.

Tăng năng suất lao động theo ông Bùi Sỹ Lợi không phải là kéo dài thời gian lao động (tăng cường độ lao động) mà phải sử dụng thời gian ít nhưng hiệu quả cao hơn.

Minh Nhật

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ