Chuẩn mực Kế toán công giúp cải thiện chi tiêu và quản lý nguồn công

01/11/2021 - 01:55
(Bankviet.com) Sáng 29/10, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam (VPSAS) đợt 1.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn; bà Steffi Stallmeister, phụ trách danh mục, Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Werner Gruber, Trưởng bộ phận hợp tác quốc tế Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện các hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong nước và nước ngoài.

Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam được Bộ Tài chính xây dựng với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới World Bank, Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada. Bộ chuẩn mực gồm 21 chuẩn mực sẽ được ban hành từ nay đến năm 2024.

Trong đợt 1, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1676/QĐ-BTC công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam: Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 01 “Trình bày báo cáo tài chính”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 02 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 12 “Hàng tồn kho”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 17 “Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị”; Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 31 “Tài sản vô hình”.

Quá trình xây dựng các chuẩn mực VPSAS đợt đầu tiên được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Tư vấn và Phân tích Quản lý Tài chính Công do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ và Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada đồng tài trợ và ủy thác qua Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu tổng thể của chương trình là hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cải cách trong lĩnh vực quản lý tài chính công ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Chương trình này sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Tài chính xây dựng và ban hành các chuẩn mực VPSAS các đợt tiếp theo và giám sát quá trình triển khai cũng như áp dụng các chuẩn mực kế toán đã ban hành.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, việc công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam là căn cứ để Bộ Tài chính ban hành hệ thống chế độ kế toán, hướng dẫn cụ thể phù hợp với từng loại hình đơn vị, đặc điểm tổ chức hoạt động trong mối quan hệ phù hợp với các cơ chế chính sách về tài chính công và ngân sách nhà nước.

Hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam sau khi được công bố sẽ là cơ sở để ban hành chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị trong khu vực công thực hiện công tác kế toán, lập báo cáo tài chính. Đồng thời, cung cấp thông tin hữu ích cho việc quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn lực thuộc Nhà nước, đặc biệt là thống nhất dữ liệu của các đơn vị kế toán công.

Theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, việc công bố chuẩn mực công của Việt Nam sẽ là căn cứ, định hướng chung cho việc nghiên cứu các cơ chế tài chính công liên quan. Đây là nội dung quy định rất rõ trong chuẩn mực công, về nguyên tắc, thời hạn, cách thức xử lý,.. Theo đó, đối với các nội dung khác, việc vận dụng các thông lệ tốt trong chuẩn mực công sẽ giúp cho cơ chế tài chính công được đồng bộ, khoa học trên cơ sở kinh nghiệm, thông lệ tốt của quốc tế.

Do đó, khi chưa công bố chuẩn mực, sẽ ảnh hưởng đến việc xếp hạng của Việt Nam trong một số đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế nước ngoài và có thể ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc đàm phán giao dịch kinh tế. Vì vậy, việc công bố và thực hiện hệ thống chuẩn mực công mang lại hiệu quả gián tiếp cho các hoạt động hội nhập quốc tế, cũng như việc nâng cao lòng tin của các đối tác, các tổ chức tài chính, kinh tế trong và ngoài nước.

Bà Steffi Stallmeister, Giám đốc Điều hành Hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới

Đại diện Ngân hàng Thế giới tham dự buổi Hội thảo, bà Steffi Stallmeister, Giám đốc Điều hành Hoạt động dự án cho rằng đây là nỗ lực chung của các bên và chúng tôi đánh giá rất cao sự tin tưởng và mối quan hệ bền chặt mà chúng ta đã xây dựng với các đối tác để đạt được kết quả này. Với bước tiến lớn trong việc cải thiện công tác lập báo cáo tài chính khu vực công, uy tín của chính phủ cùng với niềm tin và sự tin tưởng của công chúng đối với công tác quản lý tài chính công sẽ được nâng cao rõ rệt”.

Ông Werner Gruber, Trưởng Bộ phận Hợp tác Quốc tế của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam đánh giá việc áp dụng các Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam là mốc quan trọng trong các nỗ lực của Chương trình Quản lý Tài chính công hướng tới cải thiện hiệu quả chi tiêu công và tăng cường quản lý nguồn lực công để hướng tới phát triển bao trùm và bền vững.  

Theo quy định tại Quyết định 1676/QĐ-BTC, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán có trách nhiệm nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi các chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công và các văn bản pháp luật có liên quan, phù hợp với quy định hiện hành về cơ chế tài chính công và ngân sách nhà nước, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị theo từng lĩnh vực hoạt động theo lộ trình phù hợp.

Tại Hội thảo, ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết các chuẩn mực vừa được ban hành dựa trên chuẩn mực kế toán công quốc tế có nội dung phù hợp với điều kiện Việt Nam, ít phải sửa đổi, bổ sung sẽ ban hành, công bố trước. Các chuẩn mực phức tạp, có nhiều khác biệt hơn cần nhiều thời gian nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung về cơ chế tài chính hoặc phụ thuộc vào việc bổ sung, sửa đổi pháp luật có liên quan.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ