Hôm nay là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F220, là phiên đáo hạn phái sinh đầu tiên của năm 2022. Sau phiên sáng lình xình, nửa sau phiên chiều nay, nhóm VN30 đồng loạt trỗi dậy kéo VN-Index tăng hơn 22,51 điểm. Số mã tăng giá trong rổ VN30 chiếm ưu thế với 21 cổ phiếu, áp đảo so với 6 mã giảm giá và 3 mã đứng giá tham chiếu. Mặc dù vậy, phiên ATC, vốn hứa hẹn nhiều bất ngờ trong phiên đáo hạn phái sinh, lại có diễn biến không quá mạnh.
Cổ phiếu ngân hàng là điểm nhấn ấn tượng trong phiên chiều nay, góp phần lớn đua các chỉ số đi lên. Đáng chú ý, cổ phiếu BID kéo trần lên mức 46.700 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 5,63 triệu đơn vị là nhân tố đóng góp lớn nhất cho VN-Index với hơn 4 điểm tích cực. Bên cạnh đó, các mã ngân hàng khác cũng hồi phục mạnh mẽ với SHB tăng 5,7%, CTG tăng 4,6%, STV tăng 3%, MBB tăng 2,4%.
Trong khi đó nhóm bất động sản, xây dựng, sắt thép vẫn là những nhóm lớn giữ đà tăng giá mạnh. Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa nhỏ, đặc biệt là ở nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng cũng đua nhau tăng trần với hơn 70 mã nhờ lực cầu bắt đáy. Đây cũng nhóm cổ phiếu đầu cơ bị bán tháo mạnh trong những phiên gần đây. Có thể kể đến các mã tiêu biểu như LDG, FCN, DIG, ITA, HQC, DXG, HBC, DRH, LCG, SCR, DLG, HAR, TTB, TCH, FIT, JVC, HHS, IDI, BCG….
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 22,51 điểm (1,56%) lên 1.465,3 điểm. Toàn sàn có 368 mã tăng, 109 mã giảm và 32 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 785,76 triệu đơn vị, giá trị 22.433,9 tỷ đồng, tăng 23% về khối lượng nhưng giảm nhẹ hơn 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 23,3 triệu đơn vị, giá trị 1.186 tỷ đồng.
Sàn HNX có 193 mã tăng, trong đó có 56 mã tăng trần và 60 mã giảm. HNX-Index tăng 2,49 điểm (+0,61%), lên 411,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 75,8 triệu đơn vị, giá trị 2.148,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,38 triệu đơn vị, giá trị 254 tỷ đồng.
Sắc tím tràn ngập bảng điện tử với những cái tên như CEO, VKC, PVL, APS, TAR, DL1, TTH, MBG, FID, ITQ, LIG, KVC, HHG, BII… Trong đó, CEO vượt trội toàn sàn với hơn 11,35 triệu đơn vị được giao dịch.
Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng liên tục đi lên và chạm mức cao nhất ngày khi đóng cửa. Toàn thị trường UPCoM có 242 mã tăng, trong đó có 30 mã tăng trần và 88 mã giảm, UPCoM-Index tăng 1,83 điểm (+1,7%), lên 109,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,8 triệu đơn vị, giá trị 981,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,94 triệu đơn vị, giá trị 128,8 tỷ đồng.
Như vậy tính cả 3 sàn, tất cả các nhóm ngành lớn đều có đa số cổ phiếu tăng giá. Thanh khoản toàn thị trường cải thiện so với phiên trước song nhìn chung vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch 3 sàn đạt hơn 26.000 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch đạt hơn 934 triệu đơn vị. Nhìn chung phiên đáo hạn phái sinh đầu tiên của năm 2022 đã diễn ra tốt đẹp, xóa đi bầu không khí u ám trên thị trường trong hơn một tuần vừa qua.
Quỳnh Dương
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ