Chứng khoán Mỹ "đỏ lửa" dưới áp lực từ cổ phiếu công nghệ và năng lượng

16/10/2024 - 14:14
(Bankviet.com) Thị trường chứng khoán Mỹ khép lại phiên thứ Ba với sắc đỏ trên cả ba chỉ số chính do áp lực từ cổ phiếu công nghệ và giá dầu thô. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu tài chính ghi nhận lợi nhuận vượt kỳ vọng, giúp giảm bớt áp lực bán tháo.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã khép lại phiên giao dịch ngày thứ Ba với sắc đỏ, khi cả ba chỉ số chính đều giảm điểm đáng kể. Áp lực đến từ dự báo doanh số kém khả quan của ASML kéo theo sự sụt giảm mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ. Đồng thời, giá dầu thô tiếp tục lao dốc do lo ngại về nguồn cung giảm và nhu cầu suy yếu.

Kết phiên giao dichj ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones mất 324,60 điểm, tương đương 0,75%, đóng cửa ở mức 42.740,62 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,76%, chốt phiên ở mức 5.815,31 điểm. Nasdaq Composite đã giảm 1,01%, tương đương 187,10 điểm, xuống còn 18.315,59 điểm. Điều này xảy ra sau khi cả S&P 500 và Dow Jones vừa chạm mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch trước đó.

Chứng khoán Mỹ

Cổ phiếu công nghệ và năng lượng chịu áp lực lớn

Các cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là ASML - công ty Hà Lan chuyên sản xuất thiết bị cho ngành chip đã khiến thị trường lao dốc khi báo cáo doanh thu quý 3 của công ty này không như kỳ vọng. Điều này đã gây sức ép lớn lên ngành chip tại Mỹ. Cổ phiếu các công ty công nghệ lớn như Nvidia, Qualcomm và AMD cũng chịu áp lực lớn.

Rob Haworth - chuyên gia chiến lược đầu tư cấp cao tại U.S nêu quan điểm: “Thị trường chứng khoán Mỹ phụ thuộc mạnh vào nhóm cổ phiếu công nghệ, và đây sẽ là nhân tố dẫn dắt xu hướng thị trường".

Cổ phiếu năng lượng giảm mạnh nhất trong các ngành chính thuộc S&P 500, với mức giảm 3,04%, do giá dầu thô tiếp tục giảm sâu. Giá dầu thô Mỹ giảm 4,40%, còn 70,58 USD/thùng, trong khi dầu Brent giảm 4,14%, còn 74,25 USD/thùng. Việc hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ từ cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã làm gia tăng sự lo ngại về nguồn cung và nhu cầu suy yếu, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc.

Các tên tuổi lớn trong lĩnh vực y tế như UnitedHealth và Johnson & Johnson cũng công bố kết quả kinh doanh gây thất vọng, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào nhóm cổ phiếu này.

Trái lại, nhóm cổ phiếu tài chính lại ghi nhận lợi nhuận vượt kỳ vọng với những cái tên lớn như Goldman Sachs, Citigroup và Bank of America đều có kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3. Nhóm cổ phiếu này đã giúp làm giảm bớt phần nào áp lực bán tháo trên thị trường.

Chỉ số MSCI đo lường cổ phiếu toàn cầu giảm 6,20 điểm, tương đương 0,72%, xuống 850,98 điểm. Tại châu Âu, chỉ số STOXX 600 giảm 0,8%, trong khi FTSEurofirst 300 giảm 19,22 điểm, tương đương 0,92%. Cổ phiếu tại các thị trường mới nổi cũng không tránh khỏi tác động, giảm 11,40 điểm (0,98%), xuống còn 1.148,66 điểm.

Biến động từ thị trường dầu mỏ và lợi suất trái phiếu

Áp lực nguồn cung dầu mỏ đã giảm bớt sau khi Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu trấn an chính quyền Mỹ rằng, Israel sẽ không tấn công các mục tiêu dầu mỏ của Iran. Điều này đã góp phần làm giảm căng thẳng tại khu vực Trung Đông, tạo nên sự ổn định hơn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau khi đạt mức cao nhất trong hai tháng rưỡi qua. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 3,7 điểm cơ bản, còn 4,036%, và lợi suất trái phiếu 30 năm giảm 5,8 điểm cơ bản, xuống còn 4,3237%. Ngược lại, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, gắn liền với kỳ vọng lãi suất của Fed, tăng nhẹ lên mức 3,952%.

Đồng USD duy trì ổn định so với các đồng tiền chủ chốt trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tương lai gần. Chỉ số đồng USD tăng nhẹ 0,06% lên 103,24 điểm. Euro yếu đi 0,2%, giao dịch ở mức 1,0887 USD, trong khi đồng USD giảm giá 0,37% so với yên Nhật, còn 149,2 yên/USD.

Giá vàng cũng tăng nhẹ 0,4%, đạt mức 2.661,80 USD/ounce, khi nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao do lo ngại về biến động thị trường và giảm lợi suất trái phiếu.

Nhận định chứng khoán phiên 16/10: Thời điểm vàng để gia tăng danh mục

Thị trường chứng khoán Việt duy trì xu hướng tích lũy quanh ngưỡng 1.280 điểm, áp lực bán lan rộng nhưng chưa đủ tạo nên ...

Bầu cử Mỹ 2024: Chứng khoán toàn cầu đối mặt biến động lớn, thị trường Việt Nam có ngoại lệ?

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 đang dần nóng lên với hai ứng cử viên nổi bật là bà Kamala Harris và ông Donald ...

Cổ phiếu công nghệ và năng lượng bùng nổ, chứng khoán Mỹ tăng kỷ lục phiên đầu tuần

Thị trường chứng khoán Mỹ khởi đầu tuần với đà tăng mạnh, khi S&P 500 và Nasdaq lập kỷ lục mới. Nvidia và các công ...

Đặng Hoàng Thái

Đặng Hoàng Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán