Mới đây, Công ty CP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 gồm tờ trình về chỉ tiêu kinh doanh và các tờ trình quan trọng khác liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tăng vốn điều lệ và phát hành ESOP. Theo kế hoạch, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của VIX sẽ diễn ra vào ngày 12/4.
Về chỉ tiêu kinh doanh, doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi trước thuế năm 2024 ghi nhận 1.320 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm trước. Lãi sau thuế được thiết lập ở mức 1.056 tỷ đồng, tăng 9%. Nhìn lại năm 2023, Chứng khoán VIX có lãi trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 1.198.8 tỷ đồng và 966,4 tỷ đồng, cùng gấp hơn 3 lần năm trước. Tổng tài sản của công ty năm 2023 ở mức 9.087 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 8.829 tỷ đồng, cùng tăng 12% so với năm trước.
Công ty CP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) |
Một nội dung quan trọng VIX dự tính trình ĐHĐCĐ là việc chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng. Theo đó, Chứng khoán VIX sẽ chi trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%, đồng thời phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông cũng với tỷ lệ 10%. Tổng tỷ lệ cổ đông nhận được là 20%. Tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành hơn 133,8 triệu cổ phiếu (mỗi phương án phát hành 66,9 triệu cổ phiếu). Nếu hoàn thành, vốn điều lệ Chứng khoán VIX có thể tăng từ hơn 6.694 tỷ đồng lên gần 8.033 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngoài hai phương án đã nêu, Chứng khoán VIX cũng trình cổ đông phương án chào bán thêm gần 636 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ theo phương thức thực hiện quyền. Tỷ lệ chào bán tại thời điểm lập phương án là 95% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền mua, cứ 100 quyền mua sẽ được mua 95 triệu cổ phiếu mới) tính trên số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 669 triệu cổ phiếu. Giá chào bán 10.000 đồng/cp, thấp hơn khoảng 50% so với giá đóng cửa của cổ phiếu VIX ngày 22/03 là 20.150 đồng/cp.
Tổng số tiền thu được, dự kiến gần 6.360 tỷ đồng, sẽ được phân bổ 50% cho hoạt động đầu tư tự doanh và 50% còn lại dùng cho vay ký quỹ. ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định tỷ lệ thực hiện quyền phù hợp, căn cứ vào số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán và số lượng cổ phiếu đang lưu hành thực tế tại thời điểm chào bán.
Nếu hoàn thành toàn bộ các đợt phát hành, vốn điều lệ của VIX có để đạt gần 14.600 tỷ đồng. Mức vốn điều lệ mới có thể sẽ giúp VIX tiếp tục có sự nhảy vọt trong Top vốn điều lệ của ngành chứng khoán. VIX có thể sẽ áp sát VPBankS và tạm thời vượt qua VNDIRECT để vươn lên vị trí thứ 3.
Cùng chiều, VIX dự kiến trình ĐHĐCĐ về phương án phát hành tối đa 20 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương ứng tỷ lệ 2,99% tính trên số cổ phiếu đang lưu hành là 669 triệu cổ phiếu. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, mức giá này cũng thấp hơn khoảng 50% so với giá đóng cửa ngày 22/03.
Tổng số tiền thu được, dự kiến tối đa 200 tỷ đồng, sẽ dùng để bổ sung vốn hoạt động tự doanh (50%) và hoạt động cho vay (50%). Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Khác những lần tăng vốn trước, theo giới phân tích, kế hoạch mở rộng quy mô lần này của các công ty chứng khoán còn là bước chuẩn bị đón hệ thống giao dịch mới KRX, với kỳ vọng thanh khoản thị trường tăng mạnh.
"Trong bối cảnh nền kinh tế thực đang chậm lại, lãi suất gửi tiết kiệm thấp từ ngân hàng và thị trường bất động sản đóng băng, dòng vốn đang chảy vào thị trường chứng khoán", báo cáo chiến lược đầu năm nay của VNDirect cho hay.
KRX - hệ thống công nghệ thông tin mới được HoSE đã chạy thử từ 4/3, sau nhiều lần trễ hẹn. Hệ thống này được nhiều nhà đầu tư, công ty chứng khoán và các đơn vị phân tích kỳ vọng trở thành "ngọn gió đông" cho thị trường trong dài hạn, giúp bổ sung các điều kiện còn thiếu để nâng hạng chứng khoán. Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), hệ thống mới giúp giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên của VN-Index tăng 30-70% so với thanh khoản bình quân 5 năm gần đây.
Như trường hợp của Chứng khoán VietCap, theo SSI Research, với chiến lược tập trung mở rộng môi giới khách hàng cá nhân và chuẩn bị nguồn lực để thực hiện mô hình hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức (NPS), áp lực tăng vốn năm nay là rất lớn, đặc biệt là VCI chưa thực hiện lần tăng vốn nào kể từ 2017.
Vốn điều lệ là căn cứ để các công ty chứng khoán cấp margin cho khách hàng. Theo quy định, các công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt quá hai lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Do đó, việc tăng trước "quota" cho vay margin là nền tảng cho cuộc đua giành thị phần, vốn đang rất khốc liệt gần đây.
Từ đầu năm 2024, dòng tiền đổ vào kênh chứng khoán liên tục tăng. Thanh khoản nhiều phiên giao dịch trở lại ngưỡng 1 tỷ USD, con số tương đương thời điểm thị trường đạt đỉnh 1.500 điểm. Dù mở rộng hoạt động, tự doanh, nguồn thu từ phí môi giới và lãi vay margin vẫn là "nồi cơm" chính của nhiều công ty chứng khoán. Chẳng hạn, doanh thu từ môi giới và hoạt động cho vay ký quỹ mang lại cho Vietcap hơn 1.200 tỷ đồng năm ngoái, chiếm 50% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, khác với tính ổn định trong giai đoạn một thập kỷ trước, bảng xếp hạng top 10 thị phần môi giới có xáo trộn mạnh vài năm gần đây. Những công ty từng "đóng đinh" vị trí đứng đầu trong thời gian dài cũng có thể đánh mất vị thế sau thời gian ngắn.
Nóng cuộc đua tăng vốn ngành chứng khoán trước thềm vận hành hệ thống mới Sát thềm vận hành hệ thống giao dịch mới, hàng loạt công ty chứng khoán tiếp tục công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ ... |
Khối ngoại "đột biến" thanh khoản, tiếp tục bán ròng trong ngày cuối tuần (22/03) Diễn biến phiên cuối tuần (22/03), khối ngoại giao dịch với thanh khoản "đột biến", tập trung vào một số bluechips điển hình. |
Giao dịch khối ngoại tuần 18-22/3: Quỹ FUEVFVND bị bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng Trong bối cảnh thị trường chung tiếp leo lên đỉnh mới với thanh khoản sôi động khi có phiên lên tới gần 2 tỷ USD, ... |
Đức Huy