Chuyện chưa kể về hành trình xác định Ngày truyền thống của Báo Công Thương

02/10/2024 - 07:19
(Bankviet.com) Xin được bắt đầu câu chuyện bằng Quyết định số 1599/QĐ-BCT ngày 18/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Báo Công Thương - ''Cánh tay'' nối dài của ngành Công Thương các địa phương Báo Công Thương - 'địa chỉ uy tín' cho doanh nghiệp nắm bắt thông tin mới Báo Công Thương: Tự hào lịch sử 79 năm và bước chuyển mình ngoạn mục

Tại Quyết định quan trọng này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã công nhận Ngày truyền thống Báo Công Thương là ngày 2/10 hàng năm.

Với mỗi cơ quan, đơn vị, những danh từ như ngày truyền thống, ngày thành lập và riêng với mỗi tòa báo, ngày ra mắt số đầu tiên thực sự là những mốc lịch sử thiêng liêng, không chỉ mang dáng dấp của một ngày khai sinh mà hơn thế, đó còn là ngày đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ, quá trình hình thành, phát triển được ghi nhận, có tính kế thừa, liên tục.

Ngược dòng thời gian, năm 2022, giữa bộn bề công việc của công tác xuất bản báo chí, lãnh đạo Báo Công Thương đã dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu các tư liệu lịch sử, tư liệu lưu trữ phục vụ cho việc xác định ngày truyền thống của tờ báo.

Đó là một công việc không dễ dàng bởi thời gian trôi qua đã lâu, những tư liệu phần thì tản mát nơi này nơi kia, phần thì không đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, cũng từng có những phương án liên quan đến ngày truyền thống, ngày xuất bản các cơ quan báo chí tiền thân của báo từng được xây dựng. Vấn đề là phải có được các tư liệu gốc mang tính chính thống của các cơ quan Nhà nước từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đáp ứng được các tiêu chí để được công nhận là ngày truyền thống. Thời điểm được lựa chọn là ngày truyền thống phải mang tính thuyết phục, mang tính khoa học, đặc biệt là tính giáo dục truyền thống lịch sử và ý nghĩa cùng việc hội đủ các ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá.

Tất cả những điều đó đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên trì cao và cần cả những mối lương duyên nào đó, bởi cổ nhân vẫn nói “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Cái “tương ngộ” ấy luôn đồng nghĩa với những tài liệu, cứ liệu trong kho lưu trữ đợi ngày thức dậy như sự tiếp biến đầy logic của dòng chảy lịch sử.

Chuyện chưa kể về hành trình xác định Ngày truyền thống của Báo Công Thương
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trao quyết định công nhận Ngày truyền thống của Báo Công Thương cho tập thể lãnh đạo Báo. Ảnh: Cấn Dũng

Địa chỉ đầu tiên mà đội ngũ cán bộ, phóng viên Báo Công Thương được giao nhiệm vụ tìm đến là các trung tâm lưu trữ quốc gia, các thư viện. Và như một cái duyên, trong kho lưu trữ của Thư viện Quốc gia tại 31 phố Tràng Thi, Hà Nội, với sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ nhân viên ở đây, nhóm cán bộ, phóng viên Báo Công Thương đã tận mục ấn phẩm dưới dạng tờ tin được xuất bản ngay tại chiến khu Việt Bắc từ năm 1948 với cái tên Mặt trận Kinh tế mà lâu nay chỉ được biết qua những dòng hồi ức, những trang ghi chép một thời trên sách báo.

Cảm giác được chạm tay vào lịch sử đã khiến cho những khó khăn với những người làm công việc tìm tòi tư liệu xác định ngày truyền thống của Báo Công Thương như vơi đi, giãn ra và được truyền thêm động lực để tiếp tục công việc.

Vui thế, ý nghĩa thế nhưng nhóm công tác tìm tư liệu vẫn đau đáu những câu hỏi lớn: Liệu đó đã là tư liệu “đầu nguồn” hay chưa? Liệu đã đủ cơ sở để từ đó xác định thời điểm là ngày truyền thống của Báo Công Thương chưa? Công việc liệu đã hoàn tất ở đây được hay chưa?

Những câu hỏi ấy đặt ra cho nhóm cán bộ, phóng viên được giao nhiệm vụ tiếp tục công việc. Đây là vinh dự, là trách nhiệm với các bậc tiền nhân đã khai mở con đường hình thành và phát triển Bộ Công Thương qua các thời kỳ. Đồng thời là sự tiếp nối truyền thống cao cả của một ngành kinh tế đã đồng hành với lịch sử kháng chiến, kiến quốc và dựng xây.

Và tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ), những thông tin mới đã làm “nức lòng” cả nhóm công tác. Tại đây, ông Phạm Quang Tiến - Phó Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ (nay đã nghỉ hưu) - cho biết, tư liệu lưu trữ tại trung tâm về Bộ Quốc dân Kinh tế - cơ quan tiền thân của Bộ Công Thương không có nhiều, chỉ độ 20 mét tài liệu nhưng hy vọng sẽ tìm được “một cái gì đó” mà Báo Công Thương đang cần.

“Cái gì đó” quý hơn vàng đúng là thứ mà nhóm công tác đang mong đợi và thực sự là tài liệu chưa bao giờ được biết đến trước đây.

Đó chính là bản Nghị định số 08-BKT/VP ngày 2/10/1945 do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hà - thành viên Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký về tổ chức bộ máy và hoạt động của Bộ Quốc dân Kinh tế, trong đó Phòng Kinh tế tập san có nhiệm vụ xuất bản Việt Nam Kinh tế tập san. Sau nhiều thời kỳ, nhiều lần đổi tên, Việt Nam Kinh tế tập san đã được đổi thành Báo Công Thương ngày nay.

Nghị định số 8-BKT/VP ngày 2/10/1945 của Bộ Quốc dân Kinh tế là minh chứng cho thấy, ngay từ khi ra đời, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đặc biệt coi trọng công tác vận động tuyên truyền cũng như xuất bản báo chí, coi đây là công việc hàng đầu của Chính phủ.

Việc thành lập Bộ Quốc dân Kinh tế ngay trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nói lên một khát khao tột bậc của Bác Hồ là nước độc lập, tự do nhưng nhân dân phải ấm no, hạnh phúc và phát triển kinh tế luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nào. Mốc thời gian 2/10/1945 còn cho thấy sứ mệnh thiêng liêng của cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương: Muốn phát triển kinh tế trước hết phải tuyên truyền thật tốt đường lối kinh tế.

Cũng lại bất ngờ đến ngỡ ngàng khác khi tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III còn lưu giữ được một nghị định của Bộ Kinh tế, mang số hiệu 75-BKT/ND do Bộ trưởng Phan Anh ký ngày 8/3/1949 lần đầu tiên quy định về công tác báo chí của Bộ Kinh tế với việc thành lập Phòng Báo chí thuộc Văn phòng Bộ.

Phòng Báo chí có các nhiệm vụ: Phổ biến chính sách, luật lệ kinh tế Việt Nam; sưu tầm thu thập các tài liệu, tin tức kinh tế trong nước và nước ngoài; xuất bản sách báo, tài liệu kinh tế; giữ thư viện và “bảo tàng kháng chiến” của Bộ Kinh tế. Đặc biệt hơn nữa khi ở điều 3 Nghị định ghi rõ nhiệm vụ xuất bản các loại báo chí của Bộ, cụ thể là tờ nguyệt san Mặt trận Kinh tế, đã được nhắc đến ở trên.

Trên cơ sở củng cố các tài liệu đã có, đồng thời với tinh thần nghiêm túc, khách quan, khoa học và hết sức cầu thị, ngày 8/9/2023, tại trụ sở Báo Công Thương đã diễn ra Hội thảo khoa học xác định ngày thành lập, ngày truyền thống của Báo Công Thương với sự tham gia của các cán bộ lão thành, chuyên gia lịch sử, nhà báo, nhà nghiên cứu uy tín.

Tại hội thảo, phương án của Ban biên tập Báo Công Thương lựa chọn ngày 2/10/1945 là ngày truyền thống của Báo đã nhận được sự đồng thuận rất cao bởi phương án này vừa có ý nghĩa lịch sử, thể hiện chiều dài lịch sử, bề dày lịch sử của tờ báo, vừa có tài liệu, quyết định của cơ quan có thẩm quyền chứng minh, vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống và giá trị nhân văn sâu sắc. Đồng thời, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về công nhận ngày truyền thống được quy định tại Nghị định số 111/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Cùng với đó, công tác tư liệu liên quan đến ngày thành lập của Báo Công Thương vẫn tiếp tục được tiến hành.

Đặc biệt, với tinh thần “ôn cố tri tân, uống nước nhớ nguồn”, ngay sau hội thảo, ngày 16/9/2023, Tổng biên tập Nguyễn Văn Minh và đoàn công tác của Báo Công Thương đã vào TP. Hồ Chí Minh, có cuộc gặp gỡ, tham vấn quý giá đối với học giả Nguyễn Đình Đầu, người từng là Bí thư cho Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế Nguyễn Mạnh Hà từ những ngày đầu. Câu chuyện với nhân chứng hiếm hoi và có thể là cuối cùng của Bộ Quốc dân Kinh tế còn sống đã góp phần củng cố thêm những cơ sở hết sức có ý nghĩa cho việc hoàn thiện công tác xác định thời điểm ngày truyền thống của Báo Công Thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại lễ công bố quyết định ngày 2/10 hàng năm là Ngày truyền thống Báo Công Thương đã có một chỉ đạo sâu sắc: “Tạp chí Công Thương, Truyền hình Công Thương, Nhà xuất bản Công Thương cũng bắt đầu từ sự kiện này. Cho nên về lâu dài chúng ta cần có quyết định lấy ngày 2/10 là ngày truyền thống các cơ quan truyền thông thuộc ngành Công Thương Việt Nam”.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương