Chuyện của tôi

05/04/2021 - 16:52
(Bankviet.com) Làm giao dịch viên tức là sứ giả của ngân hàng. Tiếp xúc với rất nhiều khách hàng ở mọi lứa tuổi và tầng lớp nên phải chu đáo luôn nở nụ cười với họ… Nghề này vốn chỉ dành cho những người chăm chỉ, đi sớm về muộn và có trái tim biết lắng nghe.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Trần Châu Giang, công tác tại Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) chi nhánh Lai Châu.

Tôi mở mắt nhưng đầu óc thì vẫn còn lơ mơ, không rõ là mình đang ở đâu. Nhà thì chắc không phải vì mầu sơn trên tường nhà tôi không phải mầu vàng nhạt thế này. Nhà trọ những ngày đang học tại Hà Nội cũng không đúng. Chỗ đó chưa sáng ra đã ồn ào lắm. Cạnh giường của tôi còn có tới 3 chiếc giường nhỏ, chăn màn đã xếp gọn cả.

Dậy đi em, chuẩn bị còn đi làm. Hôm nay là ngày đầu tiên đấy.

Giọng nói nhỏ nhẹ khiến tôi tỉnh hẳn. Cạnh tôi là chị Doan cùng phòng, vừa gọi tôi mà ánh mắt như cười vui chia sẻ tâm trạng.

Tôi đang ở nhà công vụ của VietinBank chi nhánh Lai Châu, cách nhà gần 700km. Vội vã làm vệ sinh cá nhân, nhưng ký ức ùa về. Giờ này ở nhà bố mẹ chắc đã đi làm rồi. Em Châu đã đi học chưa không biết, con bé là chúa hay dậy muộn. Mọi khi làm gì cũng có bố mẹ ở bên, giờ chỉ còn 1 mình, nghĩ đến đó nước mắt tôi ứ ra. Lại nghe chị Doan giục, lau vội nước mắt, tôi ăn vận quần áo chỉnh tề rồi theo chị bước chân vào nơi làm việc. 

Mọi người thường nói, ngày đầu tiên đi làm nhiều kỷ niệm đẹp. Và trên các trang mạng cũng viết vô khối thứ kinh nghiệm về ngày đầu tiên đi làm phải làm những gì. Dù đã chuẩn bị tâm thế, nhưng bước chân vào bậc đầu tiên của tòa nhà làm việc, chân tôi đã run bắn lên. Từ lúc ấy, tôi đi, nói, cười, chào hỏi như một cái máy.  Chị trưởng phòng hướng dẫn tôi ân cần và chu đáo từ cách làm quen với mọi người trong phòng đến cách học như nào đạt được hiệu quả. Để làm giao dịch viên thì phải chịu khó đọc và học hỏi mọi người.

Choáng ngợp trước khung cảnh làm việc, thần trí như rối tung, hầu như tôi không nhớ được gì. Cuối buổi làm của ngày đầu tiên là cảm giác “một cuộc ra mắt và bắt tay vào việc tồi tệ”. Nếu không bị đuổi, chắc mình cũng nghỉ việc thôi vì khó mà theo được.

Đêm đó tôi điện về nhà trong nước mắt: Bố mẹ cho con về nhà thôi. Con nhớ nhà lắm. Về làm gì cũng được. Con không làm nổi công việc này đâu. Cha tôi im lặng hồi lâu rồi nói: Con vào được vào làm ở đó là cả một sự cố gắng lớn của gia đình, của riêng con. Ngày đầu đi làm ai cũng vậy thôi con ạ. Biết là thân gái dặm trường, xa nhà vất vả, nhưng đó là quê mình. Bác con, chú con và các anh chị đều ở đó cả. Quê hương không phụ con nếu con biết hòa mình vào đó. Có chút nguôi ngoai. Rồi tôi ngủ thiếp đi khi nước mắt tràn gối đầy nhỏ…

Tôi sinh ra và lớn lên ở phố huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ngày còn nhỏ tôi vẫn nghe mẹ kể quê bố tôi ở đâu đó xa lắm, mãi miền Tây Bắc. Lớn lên một chút, thi thoảng cha tôi kể lại cho 2 chị em về miền Tây Bắc đó, rằng Lai Châu, Điện Biên xưa là một tỉnh: Tỉnh Lai Châu, ở cực Tây Bắc của Tổ Quốc nơi có xã vùng cao một con gà gáy ba nước cùng nghe tiếng nghe cứ như trên phim ảnh. Ngày đó, thị xã Mường Lay bây giờ nguyên là thị xã Lai Châu, gia đình ở Đồi Cao nơi có thể nhìn thấy ngã tư sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay hợp lưu rồi đổ về xuôi.Thi thoảng tôi được về Tây Bắc với những chuyến đi ngắn ngày, ấn tượng lưu lại đó là vùng đất vùng biên xa xôi, đường đèo hun hút và đi rất lâu mới có một chòm dân cư. Một vùng đất có tới ba Cổng trời với rất nhiều thành phố nằm trong các thung lũng bao quanh là núi rừng xanh thẫm. Đó là một vùng đất thơ mộng, yên bình với những con người chân chất. Nếu có thể tôi sẽ quay lại nơi đó, có lúc tôi tự nhủ mình như vậy. Tôi học xong chuyên nghiệp. Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang vô khối doanh nghiệp, có cả những doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của nước ngoài có thể xin được việc làm, nhưng không hiểu sao tôi không thích. Đắn đo mãi rồi tôi đi Lai Châu ở với bác và xin thi vào VietinBank. Có thể tuổi trẻ muốn đi xa để trải nghiệm, cũng có thể lương duyên của tôi là sẽ gắn bó với miền đất này. Nhưng ngày đầu đi làm tôi thấy thực sự thất vọng khi bản thân không thể hiện được chính mình. Tôi choáng ngợp với công việc tại một ngân hàng quá lớn so với tưởng tưởng của tôi khi viết đơn xin thi vào. Tự nhủ…15 ngày, chỉ là 15 ngày nếu không cải thiện được tình hình thì tôi sẽ về với bố mẹ.         

Sau mấy ngày làm quen với công việc tại trụ sở chính, tôi chuyển về làm giao dịch viên tại Phòng giao dịch Đoàn Kết, thành phố Lai Châu. Một công việc không hề dễ dàng với cả núi những training, các quy trình - quy định. Hàng ngày trực tiếp tiếp xúc, xử lý giải quyết các nhu cầu của khách hàng, do đó ngoài kỹ năng giao tiếp thì phải nắm vững nghiệp vụ mới có thể thực hiện các giao dịch để đáp ứng nhu cầu của khách hàng về các sản phẩm/dịch vụ tiết kiệm, tiền gửi thanh toán, dịch vụ thẻ, xử lý chứng từ, chọn, lọc tiền, phát hiện tiền giả, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông… lại phải hiểu rõ, nắm chắc sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng để tư vấn, hỗ trợ khách hàng. Công việc đòi hỏi tôi phải chịu khó học hỏi đồng nghiệp đi trước và trau rồi thêm kiến thức chuyên môn liên quan đến các thao tác, nghiệp vụ cũng như những quy định của Ngân hàng. Làm giao dịch viên tức là sứ giả của ngân hàng. Tiếp xúc với rất nhiều khách hàng ở mọi lứa tuổi và tầng lớp nên phải chu đáo luôn nở nụ cười với họ… Nghề này vốn chỉ dành cho những người chăm chỉ, đi sớm về muộn và có trái tim biết lắng nghe. Phải yêu nghề, luôn  niềm nở chào đón khách hàng tại quầy. Giữ nguyên sự nhiệt tình từ sáng đến chiều, sẵn sàng tư vấn từ lúc khách dù là người khó tính nhất. Lớp các chị đi trước thường nói với tôi như vậy.

Vất vả nhưng mọi người trong Phòng giao dịch rất gắn kết với nhau và thường giúp đỡ tôi trước những khó khăn trong công việc. Niềm vui nho nhỏ đến với tôi sau mỗi khi hoàn thành một công việc giao dịch, tư vấn được cho một vị khách hàng, nhận lời cảm ơn từ một người khác hàng có tuổi khó tính. Hoặc những chuyến đi làm từ thiện cùng cả cơ quan. Đường vùng núi quanh co khúc khuỷu nhưng cả đoàn xe vẫn hát những bài hát cổ động tinh thần xua tan đi mệt mỏi say xe đường dài “đường dài, đường dài không ngại bước chân…”…Tôi biết về Lai Châu nhiều hơn.

Công việc cứ cuốn lấy tôi, 15 ngày trôi qua, rồi nhiều lần 15 ngày nữa qua đi. Tôi đã quen việc, quen với môi trường mới. Và quả tình qua giao dịch trong công việc và tiếp xúc hàng ngày mới thấy rõ hơn người dân Tây Bắc với khí chất miền núi cởi mở chân thành và rất hào sảng, đây cũng là một trong những lý do để tôi thêm yêu miền đất này.

Đã bước sang năm thứ ba, kể từ ngày đầu tiên tôi đi làm tại VietinBank Lai Châu. Nỗi nhớ nhà trong tôi vẫn chưa khi nào nguôi ngoai, nhất là mỗi khi tết đến xuân về. Nhưng VietinBank Lai Châu bây giờ cũng là nhà của tôi. Mỗi khi về thăm nhà, cha tôi vẫn hỏi: Giờ con gái còn có ý định về đây xin việc làm khác nữa không. Tôi cười e thẹn: Con nhớ bố mẹ và em Châu nhưng con cũng yêu cơ quan và công việc của mình. Cả nhà cùng cười vui. 

TRẦN CHÂU GIANG

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ