Đó là nhận định của ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - tại Hội thảo Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Ngân hàng Nhà nước chủ trì tổ chức ngày 13/10.
Dự và chủ trì hội thảo có ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương và ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tham dự hội thảo còn có đại diện các ban, bộ, ngành như Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông và các ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp. Đặc biệt là sự có mặt của 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 và đại diện 63 hợp tác xã tiêu biểu do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập.
Người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số nông nghiệp
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - cho biết một trong những sứ mệnh lớn lao của chuyển đổi số là phổ cập, cá nhân hóa dịch vụ số như giáo dục , y tế, ngân hàng tới người dân. Từ đó, từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa... đều có thể tiếp cận được dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, văn minh và hiện đại.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, việc tham gia chuyển đổi số của nông dân góp phần không nhỏ cho thành công của chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Xác định chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ về tăng năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước cũng như nâng cao đời sống cho người dân. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những 8 lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, trong đó, người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số mang tính sứ mệnh lịch sử trong thay đổi phương thức sản xuất, tư duy, giao dịch thương mại. Tuy nhiên sứ mệnh cao cả đó càng phải làm rõ nội hàm về khả năng thích ứng, nguy cơ giúp nông dân thực hiện nhanh bền vững. Tôi tin tưởng rằng những bài phát biểu, tham luận trong Hội thảo ngày hôm nay sẽ là những tư liệu quý, thiết thực hữu ích giúp nông dân khắp cả nước trong việc tham gia chuyển đổi số ngân hàng, tài chính”, ông Lương Quốc Đoàn cho hay.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cho biết chuyển đổi số ngân hàng mang dịch vụ đến người nông dân đang nhận được sự quan tâm rất nhiều từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, trong đó, có những chỉ đạo rất quyết liệt về chuyển đổi số. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã ban hành quyết định 810 về kế hoạch chuyển đổi số với các định lượng để yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng ứng dụng khoa học công nghệ 4.0. Trong đó, xác định lấy dữ liệu là trung tâm, là nguyên liệu, là nền tảng triển khai và là giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 50% được triển khai trên môi trường số và đến năm 2030 con số này đạt 75%. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phấn đấu, 50% người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, đến năm 2025 có 50% quyết định cho vay nhỏ lẻ.... Phấn đấu đến năm 2030 đạt con số 75%.
Với những chỉ tiêu trên, NHNN hướng đến cung cấp các dịch vụ, sản phẩm số đến người dân, đặc biệt, người nông dân ở vùng sâu, vùng xa. Về pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nhiều nội dung hỗ trợ công tác này để đảm bảo các hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán nhằm triển khai cung cẩp dịch vụ tới người dân.
Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - cũng khẳng định Đề án 06 lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chọn những vấn đề đơn giản nhất, những gì thiết yếu nhất phục vụ người dân.
Chuyển đổi số trong tài chính, ngân hàng mang lại lợi ích to lớn cho nông dân
Tại hội thảo, các nông dân Việt Nam xuất sắc đều khẳng định việc chuyển đổi số trong ngân hàng, tài chính đã đem lại những lợi ích to lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nông dân. Là du học sinh ở Pháp, sau khi về nước đã chọn hướng làm nông nghiệp và mở hợp tác xã dịch vụ số, thương hiệu bơ ông Hoàng, nông dân Đặng Dương Minh Hoàng (Bình Phước) cho biết đang sử dụng những dịch vụ tài chính của nhóm ngân hàng Big 4 vì đây là các ngân hàng đầu tư nhiều cho công nghệ số, chuyển đổi số.
Theo ông Minh Hoàng, ngành Ngân hàng chuyển đổi số đã mang lại rất nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, không phải đi lại, giao dịch an toàn chính xác (không rủi ro như việc cầm tiền mặt đi giao dịch); có thể thanh toán bằng các hình thức như chuyển khoản, quét mã QR,… 24/7 mà không phải đi ra quầy giao dịch; cũng như có dịch vụ chuyển tiền với hạn mức lớn.
"Trước đây, khi chưa có các ứng dụng ngân hàng số, muốn chuyển tiền thanh toán cho khách hàng buộc phải trực tiếp ra quầy dịch vụ của ngân hàng, nếu vướng vào ngày nghỉ, ngày lễ các công việc thanh toán cũng bị ngưng lại, ảnh hưởng đến tiến độ của đơn hàng. Việc số hóa giúp chúng tôi có thể chủ động giao dịch với các đối tác ở ngay tại nơi sản xuất", ông Hoàng chia sẻ.
Đồng tình với ông Minh Hoàng, nông dân Phạm Văn Quyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nam Việt - cho rằng không chỉ giảm thiểu thời gian giao dịch, tăng tính thuận tiện trong các giao dịch mua bán, chuyển đổi số trong ngân hàng, tài chính còn giúp nông dân tăng tính kết nối và mở rộng thị trường. Trước đây khi sử dụng tiền mặt thì rất khó để mua bán giao dịch hàng hóa với các đối tác xa thì nay điều đó trở nên đơn giản hơn rất nhiều bằng thao tác thanh toán điện tử, các đối tác có thể mở rộng phạm vi cả nước thậm chí là nước ngoài.
Cùng với đó, theo ông Phạm Văn Quyên, việc sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử còn giúp minh bạch hóa các giao dịch khi những khoản chi tiêu mua bán đều dễ dàng được kiểm đếm nhanh chóng, chính xác. Mặt khác, còn giúp tiết kiệm được chi phí. Khi chưa có thanh toán số qua ngân hàng, các khoản ủy nhiệm chi, hoặc rút tiền về chi tiêu; trả lương cho công nhân bằng tiền mặt, nếu trả tài khoản thì công nhân lại phải đi rút về chi tiêu,.... Tất cả đều mất phí, như mỗi giao dịch rút tiền mất hơn 3.000 đồng, nhiều giao dịch số tiền cũng đội lên không nhỏ với bà con nông dân vùng nông thôn. Từ ngày có chuyển khoản trả lương cũng qua tài khoản, người lao động cũng chuyển dần sang thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng tiện lợi, không mất phí.
Nông dân Nguyễn Văn Nam - Giám đốc HTX Sản Xuất và Tiêu Thụ Mỳ Chũ Nam Thể - cũng cho biết có rất nhiều lợi ích lớn từ chuyển đổi số ngân hàng như không phải kiểm đếm tiền, không sợ sai sót khi nhận tiền, trước đây nhiều giao dịch giá trị lớn đều phải kiểm đếm vài lần mất rất nhiều thời gian; mỗi ngày làm việc cũng phải kiểm đếm tiền thu về để ghi sổ, bất tiện mà nhiều khi không chính xác. Các giao dịch lớn nhỏ hiện nay đều đa phần chuyển khoản.
Bên cạnh những ưu điểm, tiện ích đó, các nông dân xuất sắc cũng bày tỏ một số lo ngại về việc bảo mật thông tin cá nhân; về hiện tượng một số người dân mất tiền trong tài khoản do vô tình nhấn vào được link giả mạo bị lừa đảo rút sạch tiền hoặc gặp phải vấn đề nghẽn mạng dẫn tới treo lệnh...
Về vấn đề này, ông Phan Thanh Dũng - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, hiện nay hàng năm Ngân hàng Nhà nước tổ chức đi kiểm tra các tổ chức tín dụng và kết quả là 100% các ngân hàng có hệ thống bảo mật chống xâm nhập, xác định khách hàng đa thành tố, dữ liệu, lọc nội dung, ghi nhật ký giao dịch…. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng và xác lập mạng lưới xử lý sự cố toàn hệ thống.
Trong trường hợp, sự cố xảy ra đối với ngân hàng thương mại thì Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ nhau để xử lý sự cố an ninh, an toàn. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai tập huấn hệ thống ứng cứu, diễn tập hàng năm. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã ban hành đầy đủ quy định, đảm bảo hệ thống an toàn để chuyển đổi số, an toàn bảo mật.
Cũng liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - khuyến cáo bà con nông dân, người tiêu dùng tăng cường ý thức việc bảo mật thông tin cá nhân của mình, tuyệt đối không cung cấp thông tin liên quan đến tài chính, ngân hàng. Nghị định 13 cũng đã mở đường tạo điều kiện pháp lý để bảo vệ thông tin cá nhân. Vừa qua, NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, khi gửi thông tin thông qua tin nhắn, email đến người tiêu dùng, tuyệt đối không sử dụng đường link. Bởi hiện nay việc giả mạo đường link trong tin nhắn đã khiến người tiêu dùng bị lừa. Một số ngân hàng trong khu vực cũng đã có các chỉ đạo tương tự.
Ông Phạm Anh Tuấn đồng thời yêu cầu khuyến nghị tất cả các tổ chức tín dụng khi cung cấp dịch vụ mobile banking tại quầy phải xác minh điện thoại chính chủ, thông qua việc gửi tin nhắn đến 1404. Giao dịch viên phải kiểm tra lại toàn bộ thông tin khi khách hàng cung cấp để đảm bảo rằng, người đăng ký dịch vụ mobile banking chính là chủ tài khoản đã được mở. Điều đó sẽ ngăn chặn hạn chế những thông tin thất thoát, thông tin được mua bán, trao đổi.
Về vấn đề này, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng A05, Bộ Công an cho biết Bộ Công an đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai rất nhiều biện pháp ngăn chặn lừa đảo, tình trạng lừa đảo đã giảm đi nhiều. Sắp tới, Ngân hàng sử dụng ứng dụng nhận diện qua khuôn mặt sẽ hạn chế được việc sử dụng tài khoản của người khác để thực hiện giao dịch.
Ngân hàng luôn đồng hành cùng bà con nông dân
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị các ngân hàng cần truyền thông tính năng ưu việc của sản phẩm, cái gì tốt cho bà con nông dân đồng thời lắng nghe ý kiến bà con nông dân vùng nông thôn để thiết kế sản phẩm, dịch vụ phù hợp.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định về vấn đề bảo mật, Ngân hàng Nhà nước cam kết ứng dụng của ngân hàng là an toàn, không có câu chuyện hack vào máy chủ của ngân hàng, không có câu chuyện hack tài khoản.
Phó Thống đốc đề nghị truyền thông rộng rãi về các phương thức, cách thức lừa đảo như qua tin nhắn, điện thoại, giả danh cán bộ, lừa đảo qua facebook...để người dân nắm được các nguy cơ lừa đảo, cách phòng tránh.
Theo Phó Thống đốc, câu chuyện an toàn phải xuất phát từ cả phía người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Hiện nay mỗi ngày giao dịch thanh toán qua hệ thống ngân hàng tương đương 35 tỷ đô la (khoảng 800 ngàn tỷ đồng )... Ngành Ngân hàng phải đảm bảo an toàn cho tất cả các giao dịch đó. Ngành Ngân hàng sẽ phải cung cấp dịch vụ tốt hơn, đảm bảo Tiện lợi - An toàn.
Chia sẻ về Chiến lược tài chính toàn diện, Phó Thống đốc cho rằng tất cả mọi người đều phải được hưởng dịch vụ có chất lượng với chi phí hợp lý. Để làm được câu chuyện này, không chỉ có ngành Ngân hàng, mà cần xây dựng hệ sinh thái và được kết nối với nhau.
"Ngân hàng luôn đi trước trong công nghệ, không thể làm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, không thể thanh toán hóa đơn nếu ngành Ngân hàng không có hệ thống thanh toán, nhưng một mình hệ thống thanh toán của ngân hàng không thể làm hết được nếu các bên khác không có sự thay đổi. Chúng ta phải cùng nhau, tất cả xây dựng thành hệ sinh thái để làm sao Hà Nội có thể đặt được taxi còn các tỉnh thành, bà con có thể lên ứng dụng ngân hàng để đặt mua, thanh toán các sản phẩm nông nghiệp.... Ngân hàng cần đi trước tạo tiền đề cho các ngành khác".
Phó Thống đốc cũng khẳng định ngành Ngân hàng cam kết cung cấp dịch vụ tài chính một cách tiện lợi, an toàn, chi phí hợp lý. Ngân hàng luôn đồng hành cùng bà con nông dân.
Phát biểu bế mạc, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định những ý kiến tại Hội thảo sẽ được tiếp thu đầy đủ, tổng hợp để đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi số ngân hàng, tài chính nói riêng và nông dân. Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nói chung, góp phần cùng đất nước bứt phát trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường theo tinh thần Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Minh Đức