Cô giáo trẻ khởi nghiệp thành công cùng học trò… chỉ từ một lần chia sẻ rất đời thường
Một lần lắng nghe nỗi lo rất đời thường của học trò, cô giáo trẻ không ngờ mình sẽ bắt đầu hành trình khởi nghiệp đặc biệt từ đó.
Chia sẻ niềm đam mê với trò cưng
Xuất phát từ nhu cầu tạo ra sản phẩm làm đẹp từ các dược liệu thiên nhiên, lành tính, cô Trương Thị Bích Liên, giáo viên Trường THPT Vị Thanh đã tìm tòi nghiên cứu và khởi nguồn ý tưởng khởi nghiệp cho nhóm nữ sinh trường mình. Việc thực hiện thành công dự án “Mặt nạ dưỡng da chiết xuất từ rau má và diếp cá” đã góp phần lan tỏa niềm đam mê, tự tin khởi nghiệp trong mọi người.
Sau gần 1 năm trải nghiệm, sản phẩm mặt nạ dưỡng da này ngày càng có nhiều khách hàng tin dùng. Dự án do cô Trương Thị Bích Liên, giáo viên Trường THPT Vị Thanh, hướng dẫn các em tham gia và là 1 trong 4 dự án của tỉnh xuất sắc được vào bán kết Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 cấp vùng.

Giữa nhịp sống hối hả của thành phố Vị Thanh, Trường THPT Vị Thanh vẫn là nơi ươm mầm cho nhiều thế hệ học trò. Trong số đó, cô giáo Trương Thị Bích Liên nổi bật không chỉ bởi sự tận tâm, mà còn bởi tinh thần khởi nghiệp không phân biệt ngành nghề. Một giáo viên dạy văn hóa lại trở thành người truyền cảm hứng sáng tạo sản phẩm làm đẹp từ rau má và diếp cá, hai loại cây dược liệu quen thuộc.
Em Lê Ngọc Ngân, học sinh lớp 11A10, Trường THPT Vị Thanh, nhóm trưởng, kể ý tưởng làm mặt nạ từ các loại rau xanh, dược liệu thiên nhiên đến với em rất bất ngờ. Vào năm học lớp 10, đang tuổi dậy thì nên da mặt em bắt đầu xuất hiện mụn nhiều. Khi đó, em có thử nhiều mỹ phẩm nhưng không hết.
Sau đó, được cô Trương Thị Bích Liên, giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ em đắp mặt nạ bằng rau má cho mát da, còn chị của em thì tư vấn đắp nước rau diếp cá, hiệu quả cũng khá tốt. Lúc này, ý tưởng chợt lóe lên, em nghĩ sao mình không thử kết hợp 2 loại lại với nhau có thể sẽ tăng hơn tác dụng trên da mặt.
Theo cô Trương Thị Bích Liên, sản phẩm mặt nạ dưỡng da chiết xuất từ rau má và rau diếp cá không dùng bất cứ hóa chất nào, kể cả chất tạo mùi, tạo màu nên sản phẩm mang đến cảm giác hoàn toàn dễ chịu khi sử dụng, với mùi hương hoàn toàn thuần khiết, mang lại những trải nghiệm thư thái tuyệt đối và thật sự thiên nhiên.
Sản phẩm từ tự nhiên nên an toàn, thân thiện với môi trường và không gây kích ứng, giúp làn da ngày càng mịn màng, tươi sáng hơn. Đối với phụ nữ ngày nay, việc làm đẹp, sử dụng mỹ phẩm là nhu cầu thiết yếu. Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, giáo viên và nhóm học sinh đã nghiên cứu, tạo ra được loại mỹ phẩm sạch, thân thiện với thiên nhiên, tận dụng những dược liệu quý từ chính những cây rau trong vườn nhà.
Điều đặc biệt ở cô giáo Liên là không ngại “bước ra khỏi vùng an toàn”. Là giáo viên đứng lớp giảng dạy văn hóa, cô vẫn quyết tâm đồng hành cùng các em học sinh trong lĩnh vực làm đẹp, vốn hoàn toàn khác biệt với chuyên môn đào tạo của mình. Cô đã dành thời gian tìm hiểu tài liệu, trao đổi với các giáo viên bộ môn khác, tự mình học hỏi để cùng trò vượt qua khó khăn trong quy trình sản xuất.
Cô nói: “Tôi không ngại thử thách và học hỏi cái mới vì tôi tin, khởi nghiệp là quá trình học suốt đời, không phân biệt ngành nghề. Giáo viên cũng có thể là người khởi nghiệp, là người dẫn đường cho học sinh trong nhiều lĩnh vực khác nhau”.
Biến ý tưởng thành sản phẩm chất lượng
Việc chế tạo một sản phẩm tự nhiên hoàn toàn không đơn giản, nhất là khi không sử dụng bất cứ hóa chất, chất tạo màu hay mùi. Những ngày đầu, nhóm nữ sinh và cô giáo gặp không ít khó khăn trong công đoạn phơi rau để tạo tinh bột. Em Trần Bích Nhật, thành viên nhóm, nhớ lại: “Nếu phơi ngoài nắng, rau mất màu xanh tự nhiên, mất dược chất. Nhưng nếu không đủ khô, không tạo được tinh bột hòa trộn tinh dầu. Mỗi lần phơi là một lần lo lắng”.
Cô Liên không ngại lặn lội tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn: “Tôi tham khảo tài liệu đông, tây y, liên hệ giáo viên bộ môn hóa học để hỗ trợ. Cuối cùng, chúng tôi chọn giải pháp sấy lạnh, vừa giữ được dược tính vừa đảm bảo màu sắc và chất lượng”. Những nỗ lực ấy đã giúp dự án tiến lên những bước vững chắc.
Cô Bích Liên cho biết thêm: “Mỗi chị em đều có thể tự tay làm cho mình một sản phẩm mặt nạ này, nhưng quá trình làm sẽ khá tốn thời gian cho mỗi lần đắp mặt nạ. Để giải quyết vấn đề đó, chúng tôi đã làm thay chị em, tất cả đều thủ công và đảm bảo an toàn vệ sinh từng khâu. Chị em chỉ cần 95.000 đồng/hũ 50gram có thể dùng gần 3 tháng, nên rất tiện sử dụng”.
Để tạo ra mặt nạ, nhóm nữ sinh thực hiện chủ yếu qua 3 giai đoạn chung cắt từng loại rau má, diếp cá để lấy riêng từng loại tinh dầu sạch (trung bình 1kg rau sẽ cho ra khoảng 30–50ml tinh dầu); phơi rau để tạo tinh bột; kết hợp giữa tinh dầu và tinh bột lại theo tỷ lệ thích hợp nhất để cho ra sản phẩm mặt nạ với chất lượng tối ưu cho làn da.
Tuy nhiên, để đảm bảo độ tin cậy và chất lượng sản phẩm, nhóm nữ sinh còn mang sản phẩm “Mặt nạ dưỡng da chiết xuất từ rau má và diếp cá” đi kiểm nghiệm và được Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Cần Thơ xác nhận đảm bảo chất lượng an toàn, không gây kích ứng da.
Hiện mỗi ngày, nhóm sản xuất hơn 100 sản phẩm thành phẩm. Sản phẩm hiện đang cung cấp cho nhiều spa trên địa bàn thành phố Vị Thanh và người có nhu cầu làm đẹp. Nếu thời gian tới, nhu cầu thị trường lớn hơn thì mỗi ngày có thể sản xuất được hơn 300 sản phẩm thành phẩm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Vị Thanh, cho hay: “Hiện dự án của nhóm nữ sinh đã tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương, với mức thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình nhờ nghề trồng rau cung cấp nguyên liệu cho nhóm. Không chỉ đem lại sản phẩm an toàn cho phụ nữ làm đẹp, mà còn tạo điều kiện cho phụ nữ có đam mê kinh doanh mỹ phẩm, khơi gợi ý thức ngành nghề sau này trong các em”.
Trải nghiệm, thử sức với Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 sẽ là cơ hội để nhóm nữ sinh Trường THPT Vị Thanh có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng bổ ích để nỗ lực học tập, nuôi ý tưởng khởi nghiệp thành công với ước mơ trở thành những bác sĩ, dược sĩ giỏi trong tương lai. Hiện sản phẩm “Mặt nạ dưỡng da chiết xuất từ rau má và diếp cá” đang hoàn chỉnh các thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Không chỉ là một dự án khởi nghiệp, mặt nạ dưỡng da thiên nhiên còn là biểu tượng cho sự quyết tâm của cô giáo Bích Liên và nhóm nữ sinh Trường THPT Vị Thanh. Họ đã dùng tri thức, tình yêu thiên nhiên và sức trẻ để viết nên câu chuyện khởi nghiệp không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì sức khỏe, sắc đẹp và môi trường.
Đây là câu chuyện khởi nghiệp với tiêu đề "Cô giáo trẻ khơi nguồn khởi nghiệp cho học sinh" được gửi tham gia cuộc thi “CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP” với chủ đề “Hành trình khởi nghiệp – Khát vọng vươn xa”, nhằm lan tỏa nghị lực vươn lên và tinh thần khởi nghiệp của người phụ nữ vùng quê Hậu Giang.