3 lý do duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích
Sáng 24/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định Quỹ trong Luật vì hiện nay đã phủ sóng tất cả vùng sâu, vùng xa; hoạt động chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước; hoạt động chưa hiệu quả, nhiều vướng mắc, bất cập.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy |
Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục duy trì Quỹ nhưng cần hoàn thiện quy định về Quỹ cho phù hợp, hoạt động hiệu quả hơn.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với loại ý kiến thứ hai vì các lý do sau: Thứ nhất, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cần tiếp tục triển khai hạ tầng cáp quang, phủ sóng 4G, 5G đến địa bàn cấp thôn; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, thiết bị đầu cuối.
Thứ hai, lĩnh vực viễn thông có tính đặc thù, số doanh nghiệp tham gia không nhiều do hạn chế về tài nguyên viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông thường chọn các địa bàn kinh doanh có lợi nhuận mà không triển khai tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vì chi phí đầu tư lớn, doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Thứ ba, theo công bố của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), có 91 nước duy trì Quỹ để thực hiện phổ cập dịch vụ viễn thông. Tuỳ thuộc vào mỗi nước, Quỹ được sử dụng để hỗ trợ phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nơi mà chi phí đầu tư cao, không đem lại lợi nhuận; hỗ trợ chi phí sử dụng dịch vụ truy nhập Internet, điện thoại cố định, điện thoại di động cho trường học, bệnh viện, người có thu nhập thấp…
Theo đánh giá tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động của Quỹ đã đạt được một số kết quả tích cực. Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2020 và 2023, các nhiệm vụ chi của Quỹ đúng đối tượng thụ hưởng.
Tuy nhiên, hoạt động viễn thông công ích trong thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại như chưa đảm bảo tính liên tục trong hỗ trợ cung cấp dịch vụ; chưa đảm bảo cân đối thu, chi, còn tồn dư Quỹ lớn; một số nhiệm vụ không thực hiện được.
Nguyên nhân cơ bản là do hệ thống văn bản pháp luật về Quỹ chưa hoàn thiện (chưa có cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp và đối tượng sử dụng dịch vụ; chưa quy định về trách nhiệm của địa phương, phương thức hỗ trợ trong trường hợp đặc thù); công tác dự báo chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, công nghệ viễn thông.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý tại Chương III - Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, theo hướng: Luật hóa một số quy định của văn bản dưới Luật; bổ sung nội dung quy định về hình thức hỗ trợ; phương thức bao gồm đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ (khoản 4 Điều 30); bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định một số nội dung (khoản 1 Điều 31).
Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc báo cáo Quốc hội (khoản 2 Điều 31); rà soát, chỉnh lý các quy định về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (khoản 3 và khoản 4 Điều 31); bổ sung quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phối hợp đề xuất xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ tại địa phương (khoản 5 Điều 31).
Có nên giao Quỹ cho Bộ Tài chính quản lý?
Có ý kiến đề nghị giao Quỹ cho Bộ Tài chính quản lý, hoặc giao địa phương tổ chức thực hiện, ông Lê Quang Huy cho hay, về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy: Hạ tầng viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông được kết nối với nhau trên phạm vi toàn quốc và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển lĩnh vực viễn thông.
Bên cạnh đó, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có chức năng hỗ trợ cung cấp, sử dụng dịch vụ công ích trong lĩnh vực viễn thông, là lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông. Mục tiêu hoạt động của Quỹ gắn với định hướng, chiến lược, quy hoạch phát triển viễn thông. Trên thực tế, hầu hết các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đều do Bộ chuyên ngành quản lý.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp, tham gia quản lý như quy định tại khoản 6 Điều 32 và điểm a khoản 4 Điều 31. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng quy định Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý Quỹ là phù hợp. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tại khoản 5 Điều 31.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc đổi tên của Quỹ, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất đổi tên Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam thành Quỹ Dịch vụ viễn thông phổ cập để phù hợp với thông lệ quốc tế về nhiệm vụ chính của Quỹ là thực hiện phổ cập dịch vụ viễn thông. Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập chiếm khoảng 95% tổng kinh phí thực hiện. Việc đổi tên này chỉ là thay đổi tên gọi pháp nhân của Quỹ.
Quỳnh Nga