Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2022 - Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng COVID-19 tổ chức mới đây, ông Lê Hoài Ân, Giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP HCM, đã đưa ra dự báo rằng thị trường chứng khoán trong năm 2022 sẽ đi ngang.
Trong đó, sẽ có những lúc giảm điều chỉnh. Song, phần trụ đỡ cho thị trường chứng khoán trong năm sẽ đến từ nhóm ngành ngân hàng, theo ông Ân.
Cụ thể hơn, ông cho rằng ngành ngân hàng có triển vọng tốt không phải do dịch COVID-19 mà do Việt Nam đang trải qua chu kỳ nợ tiêu dùng. Ở Trung Quốc, chu kỳ này kéo dài từ 2009 - 2017, còn tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu từ 2015 và đang tiếp tục là động lực giúp ngành ngân hàng duy trì biên lãi ròng (NIM) ở mức cao.
"Câu chuyện dự báo về ngành ngân hàng có thể sẽ vẫn còn tốt trong năm 2023 và 2024 chứ không chỉ ở 2022", ông Ân nhận định.
Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ góc nhìn tích cực đối với ngành bất động sản và ngành xây dựng khi các các hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh và tất nhiên là đối với các dự án tốt.
Mặt khác, ông Ân lại đánh giá triển vọng kém đối với ngành thực phẩm. Ông cho rằng ngành thực phẩm tại Việt Nam không có cơ hội tăng trưởng nhiều, các hoạt động đầu tư rất thấp và chỉ có giai đoạn.
Một trong những chiến lược đầu tư cho lĩnh vực thực phẩm chúng ta hay thấy hiện nay đó là hình thức liên doanh như Vinamilk và Kido đang làm. Như Vinamilk đang nỗ lực tìm các giải pháp M&A để tìm động lực tăng trưởng mới.
"Nếu các hoạt động M&A không được thực hiện thành công, khả năng ngành thực phẩm của chúng ta vẫn là ngành kém trong nhiều năm sắp tới", ông Ân nói.
Cuối cùng, đối với nhóm ngành nguyên vật liệu, vị giảng viên nhận thấy câu chuyện từ thị trường Trung Quốc rằng các doanh nghiệp bắt đầu tăng hoạt động đầu tư. Nguồn cung gia tăng khiến cho giá nguyên vật liệu điều chỉnh.
Do đó, giá nguyên vật liệu có thể không tăng trong năm 2022. Khi đó, các doanh nghiệp như Hoa Sen hay Hòa Phát khó có thể lặp lại mức lợi nhuận trong năm 2021.
Cũng tại sự kiện trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Fulbright Việt Nam, cũng đưa ra một số nhận định về yếu tố vĩ mô quốc tế có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về khả năng từ động thái Fed tăng lãi suất trở lại nhưng chưa hút tiền về, ông Thành đánh giá, kịch bản này sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề tỷ giá cũng như lãi suất tại Việt Nam.
Mặt khác, việc này cũng có thể đến dòng vốn đầu tư chứng khoán nước ngoài vào các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.
"Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều thị trường mới nổi, là không bị dòng vốn đảo chiều. Bao giờ Fed tăng lãi suất sẽ có hiện tượng dòng vốn đảo chiều, Việt Nam có thể không bị, nhưng cũng không nên kỳ vọng dòng vốn sẽ về", ông Thành nói.
Trong kịch bản thứ hai, ông Thành đánh giá là rất xấu, nếu như lạm phát cao, áp lực đến mức Fed vừa tăng lãi suất, vừa hút tiền về để giảm quy mô bảng cân đối tài sản, thì thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ chao đảo, và ảnh hưởng đến cả Việt Nam.
Chuyên gia nhận định Việt Nam vĩ mô có tốt đến đâu, có hỗ trợ kinh tế tốt đến đâu, mà kịch bản đó xảy ra thì chứng khoán cũng bị ảnh hưởng.
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam