Theo HNX, cổ phiếu OCH ra khỏi diện bị hạn chế giao dịch từ ngày 15/12 tới đây là nhờ tổ chức niêm yết này đã nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất kiểm toán năm 2021 và không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tối thiểu 6 tháng liên tục kể từ ngày ra quyết định bị hạn chế giao dịch.
Cổ phiếu OCH được ra khỏi diện bị hạn chế giao dịch từ ngày 15/12. Hình minh họa |
Quyết định đưa cổ phiếu OCH ra khỏi diện bị hạn chế giao dịch được đưa ra theo quy định khoản 5 Điều 39 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Được biết, ngày 2/6/2022, HNX Quyết định chuyển cổ phiếu OCH từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch và chỉ được phép giao dịch trong phiên thứ 6 hàng tuần với lý do tổ chức niêm yết chậm nộp Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời gian quy định.
Trước đó, HNX đã quyết định đưa cổ phiếu OCH vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Thời gian hiệu lực từ ngày 9/9/2022. Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính bán niên hợp nhất năm 2022 của OCH được soát xét là số âm.
Cụ thể, bán niên 2022, OCH ghi nhận doanh thu đạt 246,21 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ và tiếp tục ghi nhận lỗ 42,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 49 tỷ đồng. Trong đó, xét hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), công ty tiếp tục ghi nhận lỗ 37,85 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 50,84 tỷ đồng.
Được biết, năm 2022, OCH đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 991 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 21,54 tỷ đồng. Như vậy, với việc tiếp tục lỗ trong 6 tháng đầu năm, kế hoạch năm 2022 của công ty còn cách rất xa. Tính tới 30/6/2022, tổng lỗ lũy kế đã lên tới 862,7 tỷ đồng và bằng 43,1% vốn điều lệ.
Trong một diễn biến khác, ngày 9/12 vừa qua, HĐQT OCH đã thông qua việc nhận chuyển nhượng 1.499.700 cổ phần của Công ty CP Kem Tràng Tiền từ Công ty CP Bánh Givral với giá chuyển nhượng không quá 15% Tổng tài sản trong báo cáo tài chính gần nhất của OCH.
HĐQT OCH cũng đã thông qua việc nhận chuyển nhượng 946.800 cổ phần của Công ty TCP Thực phẩm Fuji từ CTCP Bánh Givral với giá chuyển nhượng không quá 15% Tổng tài sản trong báo cáo tài chính gần nhất của OCH.
Cụ thể, OCH sẽ chuyển nhượng toàn bộ 5,14 triệu cổ phần tại Công ty CP Tân Việt, 16 triệu cổ phần tại Công ty CP Viptour-Togi và 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang. Đối tác nhận chuyển nhượng của tất cả các thương vụ trên là công ty mẹ Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HOSE: OGC) (Ocean Group đang sở hữu 51% vốn điều lệ OCH).
Đồng thời, OCH cũng chuyển nhượng toàn bộ dự án StarCity Airport cho Ocean Group. Đây là dự án khách sạn 4 sao được xây dựng trên khu đất 3.115,6m2 bao gồm 14 tầng nổi, hai tầng hầm, nằm sát sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Ngoài ra, OCH cũng sẽ chủ trương ký kết các hợp đồng (bán chứng khoán, cổ phần vốn góp, chuyển nhượng dự án) với Ocean Group có giá trị từ 35% trở lên tổng tài sản của OCH ghi trong báo cáo tài chính ở thời điểm gần nhất. Bên cạnh đó, các hợp đồng, giao dịch cho vay, bán tài sản giữa OCH và Ocean Group phải có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản theo BCTC gần nhất của OCH.
Một nội dung đáng chú ý khác là ĐHĐCĐ đã thông qua việc Công ty CP Lequidity Solutions mua cổ phiếu không phải chào mua công khai.
Thêm nữa, cổ đông cũng thông qua việc đưa ra theo dõi ngoại bảng trên báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 đối với các khoản nợ phải thu khó đòi đã được trích lập dự phònh 100% là 852,7 tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng là 2 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khác là 844,3 tỷ đồng; còn lại là phải thu dài hạn khác.
"Việc điều chỉnh, đưa ra theo dõi ngoại bảng sẽ ghi nhận giảm các khoản phải thu (nêu trên) và ghi nhận giảm các khoản 'dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi' và 'dự phòng phải thu dài hạn khó đòi' trên bảng cân đối kế toán ngày 31/12/2022", OCH cho hay.
Đại hội cổ đông của OCH diễn ra trong bối cảnh nhóm cổ đông IDS Equity Holdings liên tục tăng tỷ lệ sở hữu tại OCH. Hiện tại, IDS Equity Holdings đã góp mặt trong danh sách cổ đông lớn của OCH.
Thông tin thêm, sau giao dịch, tổng số lượng cổ phiếu OCH mà IDS Equity Holdings và công ty con là IDS Argo Servicer nắm giữ tăng lên 29.992.011, tương ứng tỷ lệ sở hữu 13%.
Động thái mua vào của IDS Equity Holdings diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu OCH đang trượt xuống mức đáy 22 tháng kể từ hồi tháng 2/2021, xuống dưới mệnh giá là 7.000 đồng/cp. So với đỉnh lịch sử cuối tháng 3 năm nay, OCH đã mất gần 58% giá trị.
Quỳnh Nga