Công ty CP Tập đoàn Tiến Thịnh, (địa chỉ trụ sở chính tại ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, Website: www.tienthinh.vn), tiền thân là Công ty TNHH MTV Chế biến Nông sản Tiến Thịnh được thành lập ngày 03/12/2014.
Tiến Thịnh Group được biết đến là một trong những công ty đi đầu và sớm nhất của ngành rau quả chế biến xuất khẩu của Việt Nam áp dụng công nghệ cao trog sản xuất, chế biến các loại cây nhiệt đới tại Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Với vốn điều lệ hơn 205 tỷ đồng, lĩnh vực hoạt động chính của Tiến Thịnh là sản xuất nước cốt ép và nước cốt ép cô đặc các loại trái cây như: chanh dây, tắc, mãng cầu, thanh long, dứa, đu đủ, dưa hấu, chanh và sơ-ri; chế biến các sản phẩm trái cây sấy dẻo…cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế.
Với phương châm “Sản xuất Xanh – Chất lượng vàng”, sau 8 năm hoạt động, Tiến Thịnh Group nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến nông sản tại Việt Nam. Công ty có một nhà máy đặt tại Hậu Giang diện tích 20.000m2 được phân làm 3 khu chế biến: khu sản xuất nước ép, khu đông lạnh và khu sấy dẻo với hệ thống máy móc hiện đại, hoàn toàn tự động đến từ Châu Âu với công suất lên đến 10.000 tấn/năm.
Đại diện tập đoàn cho biết, việc tập trung vào trái cây chế biến mang đến nhiều lợi ích vượt trội. Thứ nhất, đa dạng hóa sản phẩm khi một loại trái cây có thể cho ra nhiều thành phẩm khác nhau. Thứ hai, đảm bảo chất lượng và kéo dài thời gian sử dụng, không còn lo ngại vấn đề hư hỏng thối rữa mà thực phẩm tươi hay đối mặt. Thứ ba, không chỉ bình ổn giá, đây còn là giải pháp nâng cao giá trị của nông sản. Thứ tư, giải quyết triệt để nỗi lo mà người nông dân hay phải đối mặt là ép giá, tồn hàng, hóa giải triệt để trăn trở "được mùa mất giá".
Các sản phẩm nước ép và sấy dẻo của Tập Đoàn Tiến Thịnh được triển lãm tại Hội chợ Quốc tế gần đây |
Ban lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Tiến Thịnh tại Đại Hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 |
Cơ hội cho nông sản Việt vươn tầm quốc tế
Ngày 4/7/2023, Tiến Thịnh Group chính thức trở thành Công ty đại chúng theo văn bản số 4281/UBCK -GSĐC của Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước. Tiếp đến, ngày 19/4/2024, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán số 04/2024/GCNCP -VSDC cho Công ty CP Tập đoàn Tiến Thịnh, mã chứng khoán đăng ký: TT6. Đến ngày 18/7/2024, Sở Giao dịch Chứng Khoán Hà Nội đã có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch mã TT6 – sàn UPCoM với ngày giao dịch đầu tiên là 02/8/2024.
Về tình hình sản xuất kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần gần 100 tỷ đồng (tăng 14% so cùng kỳ năm 2023), lợi nhuận sau thuế hơn 2 tỷ đồng (tăng 37% so cùng kỳ năm trước).
Ngày 2/8, hơn 20,5 triệu cổ phiếu Tập đoàn Tiến Thịnh đã giao dịch trên UPCoM (mã TT6). Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.400 đồng/cổ phiếu (biên độ tăng giảm 40%), kết phiên cổ phiếu của Tập đoàn nông sản miền Tây Nam bộ đạt mức 13.500đ/CP (tăng 29,81%).
Theo chia của lãnh đạo Tập đoàn, thị trường trái cây xuất khẩu Việt đang đứng trước thời cơ lớn khi ngày càng được đánh giá cao trên thế giới. Mặt khác, Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nắm bắt xu thế, Tập đoàn Tiến Thịnh đã nhanh chóng niêm yết cổ phiếu lên sàn UpCoM, ghi danh trên thị trường chứng khoán, mở ra nhiều vận hội mới.
Việc đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán giúp tập đoàn nâng cao uy tín với đối tác, khách hàng và nhà đầu tư, gia tăng giá trị doanh nghiệp. Đây cũng là bệ phóng quan trọng giúp Tiến Thịnh Group thu hút nguồn vốn đầu tư mới một cách minh bạch để tái đầu tư vào dây chuyền sản xuất, mở rộng vùng chuyên canh, mở rộng thị trường xuất khẩu, mở rộng quy mô kinh doanh.
Tập thể lãnh đạo Tập đoàn Tiến Thịnh chụp hình lưu niệm tại ngày giới thiệu cổ phiếu TT6 chính thức được giao dịch trên sàn UpCoM ngày 2/8/2024 |
Về định hướng sắp tới, Lãnh đạo tập đoàn cho biết, nhằm đáp ứng giai đoạn phát triển mới, thời gian qua, ngoài vùng chuyên canh trọng yếu Đồng Bằng Sông Cửu Long, Tiến Thịnh đang mở rộng với nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng hay các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh. Đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và loại trái cây.
Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ liên tục đầu tư nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới nhằm tạo ra các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng như nước ép trái cây hữu cơ, thực phẩm dinh dưỡng từ trái cây. Thâm nhập những thị trường mới, giàu tiềm năng như Trung Đông, Mỹ Latinh, châu Phi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho các chiến dịch tiếp thị quốc tế. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tham gia nhiều sự kiện và hội chợ triển lãm quốc tế trong và ngoài nước, giới thiệu sản phẩm nông sản Việt Nam ra trường quốc tế.
Hoài An