Cổ phiếu vận tải biển hút tiền, một mã làm nên điều chưa từng có

21/05/2025 - 15:13
(Bankviet.com) Dữ liệu kinh doanh khởi sắc, dòng tiền lớn mua ròng và triển vọng ngành tích cực đang giúp mã cổ phiếu vận tải biển này lấy lại vị thế sau giai đoạn điều chỉnh.
Nhịp đập thị trường

Cổ phiếu vận tải biển hút tiền, một mã làm nên điều chưa từng có

Lê Thành 20/05/2025 22:52

Dữ liệu kinh doanh khởi sắc, dòng tiền lớn mua ròng và triển vọng ngành tích cực đang giúp mã cổ phiếu vận tải biển này lấy lại vị thế sau giai đoạn điều chỉnh.

Chốt phiên ngày 20/5, chỉ số VN-Index tăng mạnh 18,86 điểm (+1,46%) lên mốc 1.315, 15 điểm. Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 23.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 952 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu vận tải biển đua nhau khởi sắc

HAH bứt phá mạnh mẽ, điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư lớn

Nhóm cổ phiếu vận tải cảng biển đua nhau khởi sắc. Dẫn đầu đà tăng là cổ phiếu HAH của Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, tăng mạnh 6,98% lên 70.500 đồng/cổ phiếu, đánh dấu mức đỉnh mới kể từ khi niêm yết. Khối lượng giao dịch vượt 1,2 triệu cổ phiếu, phản ánh lực cầu cao. Sau phiên tăng mạnh này, vốn hóa thị trường của HAH theo đó tăng lên hơn 9.157 tỷ đồng.

Động lực tăng trưởng của HAH đến từ nhiều yếu tố, trong đó có kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng và giao dịch mua ròng mạnh mẽ từ nhóm cổ đông lớn. Từ giữa tháng 4 đến nửa đầu tháng 5, Công ty CP Container Việt Nam (Viconship) và đơn vị liên quan là Trung tâm Logistics Xanh đã liên tục mua vào tổng cộng hơn 8 triệu cổ phiếu HAH, nâng tỷ lệ sở hữu của nhóm này lên 11,61% vốn điều lệ. Diễn biến này cho thấy niềm tin chiến lược của các nhà đầu tư tổ chức vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của HAH.

Về hoạt động kinh doanh, quý I/2025 chứng kiến sự bứt phá ấn tượng của HAH với doanh thu thuần đạt 1.169 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. Nhờ chi phí giá vốn chỉ tăng 31%, lợi nhuận gộp của công ty tăng gần 4 lần, đạt 385 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ 15% lên 33%. Sau khi trừ chi phí, lãi sau thuế của HAH đạt 274 tỷ đồng, tăng 478% so với quý I/2024; riêng công ty mẹ ghi nhận lợi nhuận 233 tỷ đồng – gấp gần 4 lần cùng kỳ. Doanh nghiệp hiện đã hoàn thành 28% kế hoạch doanh thu và 39% kế hoạch lợi nhuận năm.

Kết quả kinh doanh Quý 1/2025 tăng mạnh so với cùng kỳ

Kết quả tích cực này đến từ việc HAH đưa thêm 4 tàu mới vào khai thác, trong khi sản lượng và giá cước vận tải biển đều tăng. Ngoài ra, hoạt động cho thuê tàu và hiệu quả từ công ty con, công ty liên kết cũng cải thiện rõ rệt. Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của HAH đạt 7.839 tỷ đồng, tăng 550 tỷ đồng so với đầu năm; lượng tiền mặt và tiền gửi đạt hơn 1.116 tỷ đồng, củng cố nền tảng tài chính vững chắc cho doanh nghiệp.

Vận tải biển hưởng lợi nhờ xuất khẩu, nhóm cổ phiếu đồng loạt hồi phục

Không chỉ riêng HAH, các cổ phiếu khác của nhóm vận tải biển cũng cho thấy sự chuyển động tích cực. Cổ phiếu VSC – đại diện của chính Viconship – tăng 5,12% lên 22.60 đồng/cp, với thanh khoản đạt hơn 11 triệu đơn vị. GMD (Gemadept) – một trong những doanh nghiệp logistics và khai thác cảng biển lớn nhất nước – tăng nhẹ 1,47%, chốt phiên ở mức 55.300 đồng/cp với khối lượng giao dịch gần 10 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, VOS và VTO – hai mã có quy mô nhỏ hơn – cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 1,82% và 0,38%, cho thấy sự lan tỏa lực cầu trên toàn nhóm ngành.

Đà hồi phục của cổ phiếu vận tải biển được hỗ trợ bởi triển vọng vĩ mô tích cực. Theo Bộ Công thương, năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng 12%, giúp sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tiếp tục tăng. Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải ước tính đến năm 2030, khối lượng hàng hóa container qua cảng sẽ đạt 46,3 triệu TEU và hàng khô đạt 423,5 triệu tấn – mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Nhóm vận tải biển khởi sắc
Nhóm vận tải biển được hưởng lợi nhờ xuất khẩu

Mặt khác, các yếu tố quốc tế như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng khiến các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh nhập hàng từ Trung Quốc, dẫn đến việc giá cước vận tải biển gia tăng trong ngắn hạn. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, đặc biệt là những đơn vị sở hữu đội tàu lớn và có khả năng mở rộng thị phần quốc tế như HAH, hưởng lợi rõ rệt.

Nhìn chung, nhóm cổ phiếu vận tải biển đang cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ nét sau giai đoạn điều chỉnh. Trong đó, HAH nổi lên như một mã cổ phiếu đầu ngành với tiềm năng tăng trưởng vững chắc, trong khi các mã như VSC, GMD, VOS và VTO cũng đang bám sát diễn biến tích cực của dòng tiền. Trong bối cảnh triển vọng ngành sáng sủa và hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục mở rộng, nhóm cổ phiếu vận tải biển đang được giới phân tích đánh giá là cơ hội đầu tư đáng chú ý trong năm 2025.

Lê Thành

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán