Cổ tức trong chứng khoán: Hiểu đúng để tối ưu hóa lợi nhuận

22/01/2025 - 22:17
(Bankviet.com) Cổ tức là một trong những yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư cần nắm rõ khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm cổ tức, các hình thức chi trả cổ tức và cách thức chi trả cổ tức theo quy định pháp luật.

Các hình thức chi trả cổ tức

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng mà nhà đầu tư được hưởng trên mỗi cổ phần. Khoản lợi nhuận này được chia từ lợi nhuận của doanh nghiệp sau khi đã hoàn tất các nghĩa vụ tài chính. Nói một cách dễ hiểu, khi bạn sở hữu cổ phiếu của một công ty, bạn đã trở thành chủ sở hữu một phần của công ty đó. Nếu công ty kinh doanh có lãi, một khoản lợi nhuận sẽ được phân chia cho các cổ đông, và phần chia này chính là cổ tức.

Cổ tức có thể được chi trả thông qua ba hình thức sau đây:

Chi trả cổ tức bằng tiền mặt

Cổ đông sẽ nhận được khoản tiền mặt tương ứng với số cổ phiếu mà họ sở hữu dựa trên tỷ lệ chi trả do Hội đồng quản trị đưa ra. Các khoản thanh toán có thể được thực hiện bằng séc, chuyển khoản ngân hàng hoặc chuyển khoản qua bưu điện đến địa chỉ liên lạc hay nơi cư trú của cổ đông.

Ví dụ: Công ty A chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả là 7% trên mệnh giá, mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu bạn sở hữu 100 cổ phiếu của công ty A thì số cổ tức bằng tiền mặt mà bạn nhận được là:

100 x 7% x 10.000 = 70.000 đồng.

Cổ tức trong chứng khoán: Hiểu đúng để tối ưu hóa lợi nhuận
Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng mà nhà đầu tư được hưởng trên mỗi cổ phần

Chi trả cổ tức bằng cổ phiếu

Thay vì lấy một phần lợi nhuận để chi trả cổ tức bằng tiền mặt, công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu hoặc sử dụng cổ phiếu quỹ để chia cho các cổ đông theo tỷ lệ cổ phần sở hữu. Đây là cách chi trả thường được áp dụng khi công ty muốn bảo toàn dòng tiền để tập trung đầu tư mở rộng quy mô.

Ví dụ: Công ty A chi trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 1:10. Điều này có nghĩa là nếu bạn sở hữu 10 cổ phiếu thì sẽ được chi trả cổ tức thêm 1 cổ phiếu nữa. Giả sử bạn đang sở hữu 100 cổ phiếu của công ty A, sau khi chi trả cổ tức, số cổ phiếu mà bạn sở hữu là 110 cổ phiếu.

Chi trả cổ tức bằng tài sản khác

Ngoài tiền mặt và cổ phiếu, cổ tức còn có thể được chi trả dưới các loại hình tài sản khác như: hàng hóa, sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty, bất động sản, các sản phẩm tài chính,... Tuy nhiên, hình thức này ít phổ biến và chỉ xảy ra trong một vài trường hợp đặc biệt.

Cách thức chi trả cổ tức

Theo quy định pháp luật hiện hành, cổ tức phải được chi trả đầy đủ cho cổ đông trong vòng tối đa 6 tháng kể từ khi kết thúc Đại Hội đồng cổ đông thường niên. Trước khi trả cổ tức ít nhất 30 ngày, Hội đồng quản trị phải lập danh sách cổ đông đủ điều kiện nhận cổ tức, xác định số tiền, thời gian và hình thức chi trả. Đồng thời, thông báo chi trả cổ tức phải được gửi đến cổ đông ít nhất 15 ngày trước thời điểm chi trả. Nội dung thông báo bao gồm:

Thông tin công ty: Tên và địa chỉ.

Thông tin cổ đông: Đối với cá nhân gồm họ tên, địa chỉ, quốc tịch, số CCCD hoặc hộ chiếu. Đối với tổ chức gồm mã số doanh nghiệp, số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính.

Số lượng cổ phần từng loại của cổ đông, mức cổ tức đối với từng cổ phần và tổng số cổ tức mà cổ đông đó được nhận.

Thời điểm và phương thức trả cổ tức.

Chữ ký và họ tên của Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người đại diện theo pháp luật của công ty.

Điều kiện chi trả cổ tức

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, công ty chỉ được chi trả cổ tức khi đáp ứng các điều kiện sau:

Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác.

Đã trích lập các quỹ theo quy định: Như quỹ dự phòng, quỹ đầu tư phát triển.

Đã bù lỗ (nếu có): Nếu công ty có lỗ lũy kế, phải sử dụng lợi nhuận để bù lỗ trước khi chia cổ tức.

Đảm bảo khả năng thanh toán: Sau khi chi trả cổ tức, công ty vẫn phải đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ và thực hiện nghĩa vụ tài chính khi đến hạn.

Như vậy, việc chi trả cổ tức là một hoạt động quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các cổ đông và tình hình tài chính của công ty.

Meta sa thải hàng ngàn nhân viên, đưa ra kế hoạch "tái sinh" bằng việc tối ưu hóa hiệu suất và tuyển dụng lại

Meta cắt giảm 5% nhân sự hiệu suất thấp, tương đương 3.600 người trên toàn cầu, nhằm nâng cao tiêu chuẩn làm việc. CEO Mark ...

Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCS) lập kỷ lục lợi nhuận trong năm 2024

Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCS) ghi nhận năm 2024 đầy ấn tượng với lợi nhuận sau thuế đạt 693 tỷ đồng, tăng 39% ...

Quang Vinh

Quang Vinh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán