Vào tháng 7/2003, công ty quản lý quỹ đầu tiên tại Việt Nam đã được cấp phép hoạt động bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và trong tháng 4/2004, quỹ đầu tư chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam (Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam - VFMVF1 do Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam - VFM quản lý) đã hoàn tất đợt huy động vốn lần đầu với kết quả thành công ngoài dự kiến đạt giá trị 200 tỷ đồng. Số tiền huy động vào quỹ VFMVF1 đánh dấu điểm khởi đầu cho quá trình phát triển của các quỹ đầu tư tại Việt Nam. Sau 19 năm phát triển, quy mô tài sản quản lý bởi các công ty quản lý quỹ đầu tư tại Việt Nam đạt 605 nghìn tỷ đồng tại thời điểm tháng 6/2022, cao nhất trong lịch sử phát triển ngành. Ngành quản lý quỹ tại thời điểm này đã bao gồm 45 công ty với 452 nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ, cung cấp dịch vụ quản lý cho 74 quỹ đầu tư và dịch vụ quản lý danh mục riêng biệt, thực hiện đầu tư trên các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và thị trường phái sinh.
Sự phát triển của ngành quản lý quỹ đầu tư trong những năm qua là rõ rệt với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản quản lý bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2021 là 21% năm. Tuy nhiên, đóng góp của các quỹ đầu tư như là người đầu tư có tổ chức vào giao dịch trên thị trường cổ phiếu là rất hạn chế và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng về quá trình xây dựng nhà đầu tư tổ chức đã được đặt ra. Giao dịch trên thị trường cổ phiếu Việt Nam vẫn đang được chi phối bởi nhà đầu tư cá nhân, với giá trị giao dịch bình quân trên 80% tổng giá trị giao dịch thị trường qua các năm và lên tới trên 90% trong giai đoạn dịch Covid-19, đã tạo nên biến động lớn về giá và do vậy việc phát triển người đầu tư có tổ chức luôn được coi trọng trong các kế hoạch phát triển thị trường chứng khoán để hướng tới sự ổn định trên thị trường cổ phiếu. Tuy vậy, các quỹ đầu tư đã không làm được điều kỳ vọng. Có nhiều lý do để giải thích vấn đề này.
Trước hết là quy mô tài sản quản lý của ngành. Con số 605 nghìn tỷ đồng đang được các công ty quản lý nắm giữ xét về quy mô thì nhỏ hơn đáng kể so với các nguồn cung ứng vốn khác trên thị trường tài chính.
Cụ thể, số tài sản quản lý đầu tư này chỉ tương đương với 5% quy mô vốn tín dụng ngân hàng tại tháng 6/2022 và tương đương 92% lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành mới trong năm 2021. Tại thời điểm tháng 6/2022, chỉ có 23,8% (144 nghìn tỷ đồng) tổng quy mô tài sản quản lý nêu trên được đầu tư vào thị trường cổ phiếu, phần còn lại được đầu tư vào trái phiếu hoặc tiền gửi. Số tiền đầu tư cổ phiếu này thấp hơn tổng lượng cho vay margin trên thị trường cổ phiếu tại cùng thời điểm là 150 nghìn tỷ đồng.
Tiếp theo, quản lý quỹ là ngành có mức độ phân hóa lớn giữa các nhóm công ty trong ngành. Nhóm các công ty quản lý quỹ là thành viên của các tập đoàn bảo hiểm nhân thọ chiếm tỷ trọng lớn về tài sản quản lý (70%) trong tổng tài sản quản lý toàn ngành. Đối với nhóm công ty này, khách hàng lớn nhất là tập đoàn mẹ thông qua việc cung cấp dịch vụ quản lý danh mục riêng biệt, do vậy mục tiêu đầu tư là hướng tới đầu tư trái phiếu và tiền gửi (tổng cộng 88%) thay vì cổ phiếu (chiếm 12%) tổng tài sản quản lý của nhóm. Nhóm các công ty còn lại, năng động hơn trong việc quản lý quỹ đầu tư, không có quy mô tài sản quản lý đủ lớn để có thể tác động làm đối trọng cho các biến động bất thường trên thị trường.
Nguồn: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước |
Xét từ góc độ quỹ đầu tư, với tổng quy mô tài sản là 85,5 nghìn tỷ đồng tại tháng 6/2022, trong đó các quỹ đầu tư cổ phiếu có quy mô tài sản không quá 70% tổng quy mô các quỹ. Các quỹ có thể đầu tư vào thị trường cổ phiếu không chiếm đa số trong các quỹ hiện hữu khi các quỹ có quy mô lớn nhất trên thị trường là các quỹ đầu tư trái phiếu và các quỹ ETF với tỷ trọng trên 60% tổng quy mô các quỹ. Một điểm cần chú ý là các quỹ ETF không góp phần vào quá trình làm ổn định thị trường khi xảy ra các biến động.
Nhìn từ góc độ quy mô tài sản và khả năng đầu tư, các quỹ đầu tư và tài sản đang được quản lý có thể đầu tư vào thị trường cổ phiếu có quy mô rất nhỏ so với quy mô giao dịch và quy mô thị trường cổ phiếu. Với giá trị thị trường cổ phiếu ở mức 6,4 triệu tỷ đồng tại tháng 6/2022, khả năng đầu tư từ tài sản đầu tư cổ phiếu được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ tương đương 2% quy mô thị trường.
Chính sách thuế đối với đầu tư thông qua quỹ đầu tư chứng khoán được ban hành năm 2004 tại Thông tư số 100/2004/TT-BTC và chưa thay đổi. Thuế suất áp dụng đối với giao dịch rút vốn đầu tư (bán chứng chỉ quỹ) là 0,1% giá trị giao dịch, tương đương với thuế suất áp dụng đối với giao dịch cổ phiếu. Đối với lợi tức chi trả từ quỹ cho nhà đầu tư, thuế suất đối với người đầu tư tổ chức là 20% và mức áp dụng đối với người đầu tư cá nhân là 5%. |
Các số liệu cho thấy, tốc độ phát triển của tài sản được quản lý bởi ngành QLQ đầu tư đang có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng quy mô thị trường, hơn nữa quy mô tài sản quản lý của ngành quản lý quỹ có xuất phát điểm từ quy mô nhỏ. Điều này dẫn tới khả năng đạt được kỳ vọng về phát triển ngành QLQ thành nhóm nhà đầu tư tổ chức có quy mô tài sản quản lý lớn có khả năng ổn định thị trường ngày càng xa hơn.
Ngành quản lý quỹ cần có sự thay đổi để phát triển, và chỗ dựa đầu tiên cho sự phát triển mạnh mẽ là sự thay đổi về chính sách quản lý. Hiện tại đang tồn tại mâu thuẫn giữa mục tiêu phát triển người đầu tư có tổ chức và chính sách thuế. Việc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư của nhà đầu tư không nhận được sự khuyến khích cần thiết thông qua ưu đãi thuế đối với giao dịch chứng chỉ quỹ đầu tư. Chính sách thuế đang được áp dụng không có sự phân biệt giữa đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đầu tư (bất kể là quỹ đầu tư vào loại tài sản nào). Không có sự ưu đãi, việc thu hút đầu tư thông qua các quỹ đã gặp khó khăn ngay từ ngày đầu tiên thành lập ngành quản lý quỹ đầu tư.
Sau 20 năm phát triển, có nhiều yếu tố hỗ trợ để ngành quản lý quỹ có thể phát triển nhanh, quy mô tài sản có thể đủ lớn để trở thành một nhà đầu tư tổ chức đúng nghĩa trên thị trường, nhưng quan trọng nhất vẫn là một chính sách thuế cởi mở, thông thoáng.
Ngày 14/10/2022 Câu Lạc bộ Quản lý Quỹ đã xin gia nhập vào Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, với hy vọng sau 20 năm phát triển, ngành quản lỹ quỹ đã hội tụ tốt hơn nhiều các điều kiện để đi nhanh hơn, giờ chỉ cần chút “gió Đông”.
Chuẩn bị hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Quản lý Quỹ xin chúc Hiệp hội ngày càng nâng cao năng lực của mình để khẳng định vị thế nhằm đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam!
L. Minh