Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội |
Phóng viên: Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến đà tăng tưởng ấn tượng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Trong bức tranh chung đó, đâu là những điểm còn hạn chế của kinh tế Việt Nam và thách thức cần lưu ý để phục hồi và phát triển ổn định hơn trong năm 2023, thưa ông?
Ông Phan Đức Hiếu: Điểm lại những con số đã đạt được năm 2022, tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là kết quả rất đáng phấn khởi so với những khó khăn mà nền kinh tế đã trải qua. Những kết quả tích cực có thể kể đến, gồm: tốc độ tăng trưởng GDP; thu ngân sách; kim ngạch xuất-nhập khẩu; giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động,… đều ghi nhận những con số ấn tượng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn một số điều tiếc nuối, đặc biệt nếu so với kỳ vọng, yêu cầu và đòi hỏi của xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp, như: tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt chỉ tiêu, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, tiến trình cổ phần hóa còn chậm, khó khăn trên thị trường vốn,…
Theo tôi, những kết quả tích cực đạt được năm 2022 sẽ tạo đà tốt cho năm 2023. Tuy nhiên, cần thẳng thắn thấy rằng, thách thức đặt ra cho năm 2023 cũng rất lớn. Tác động tiêu cực đến từ các yếu tố bên ngoài và các vấn đề nội tại nền kinh tế sẽ gây nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp, người lao động và điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2023.
Phóng viên: Để vượt qua những khó khăn, thách thức trong năm 2023, Quốc hội và Chính phủ đã có những giải pháp nào về mặt chủ trương chính sách, thưa ông?
Ông Phan Đức Hiếu: Mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cũng đã được thảo luận kỹ lưỡng, cởi mở và đã được xác định. Quốc hội đã thông qua nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, kèm theo đó là 10 nhóm giải pháp khá toàn diện, đầy đủ trên mọi lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh nhiều đến cả vấn đề kinh tế và an sinh xã hội, vừa tiếp tục kiểm soát dịch và phát triển kinh tế, tập trung cải cách thể chế thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
10 nhóm giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2022 (Nghị quyết 68/2022/NQ-QH15) Một là, ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Hai là, tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Ba là, xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bốn là, đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Năm là, tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ (giao thông, biến đổi khí hậu), bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả đất, tài nguyên. Sáu là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Bảy là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tám là, giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chín là, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Mười là, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. |
Điều cần nhấn mạnh thêm rằng, chúng ta không chỉ có 10 nhóm giải pháp nêu trên, mà còn hàng loạt các giải pháp, chương trình cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế đã và đang được tiếp tục thực hiện, phải kể đến như:
Thứ nhất, loạt chương trình cải cách thể chế, bao gồm Nghị quyết 02 (hàng năm) về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.
Thứ hai, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp với Nghị quyết 43/2021/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Thứ ba, chương trình cải cách kinh tế với Nghị quyết 31/2021/QH15 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết 54/2022/NQ-CP thực hiện Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.
Đây là những dư địa chính sách để phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, giúp kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, hoàn thành và vượt mức mục tiêu đã đề ra.
Phóng viên: Đã có những “hành trang” cần thiết cho năm 2023 về mặt cơ chế chính sách. Vậy, các bộ, ngành và doanh nghiệp cần phải làm gì, thưa ông?
Ông Phan Đức Hiếu: Như nêu trên, chúng ta cũng đã xác định hàng loạt giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong năm 2023. Trong giai đoạn trước mắt, cũng như trong dài hạn, các khâu như: hành động, thực thi, cụ thể hóa các giải pháp là rất quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước dễ biến động và biến động nhanh như hiện nay, thì hành động thực thi các giải pháp đề ra cần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, kịp thời hơn và đồng bộ hơn.
Ngoài việc tích cực, kịp thời thực thi và sớm hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra, việc cần làm thêm là tiếp tục bám sát tình hình thực tế để có những hiệu chỉnh phù hợp với biện pháp đã đề ra, thậm chí có thể tính đến phương án đưa ra các giải pháp mới hoặc giải pháp bổ sung để ứng phó kịp thời diễn biến thực tế. Ví dụ, đối với những gói hỗ trợ doanh nghiệp kết thúc trong năm 2022, có thể sớm nghiên cứu, xem xét kéo dài một số chính sách trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong quá trình phục hồi hoặc tiếp tục nghiên cứu chính sách mới hoặc mở rộng hơn để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Mặt khác, để vượt qua khó khăn, thách thức, cần tiếp tục có sự tham gia và tham gia có trách nhiệm của tất cả mọi chủ thể chứ không chỉ riêng của cơ quan quản lý. Chẳng hạn, về vấn đề liên quan đến thị trường vốn, không thể nói rằng, Nhà nước là chủ thể duy nhất đứng ra đảm bảo hoàn toàn cho tất cả các hoạt động diễn ra lành mạnh và an toàn. Tôi cho rằng, sự dễ dãi của nhà đầu tư chính là một phần nguyên nhân dẫn đến sự dễ dãi của thị trường và sai phạm của doanh nghiệp, dẫn đến rủi ro trên thị trường vốn thời gian vừa qua. Sự chuyên nghiệp, khắt khe của nhà đầu tư sẽ khiến thị trường tự khắc thắt chặt kỷ luật, tự khắc sàng lọc và giảm thiểu rủi ro. Từ lúc này, tất cả các bên cần tham gia trong nền kinh tế có trách nhiệm và tích cực, trước hết là vì lợi ích của chính mình. Yếu tố này sẽ giúp khôi phục và phát triển nền kinh tế về mặt dài hạn, giảm thiểu vấn đề đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã có những động thái rất tích cực. Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, họ chủ động liên lạc với nhà đầu tư, cung cấp đầy đủ thông tin về kế hoạch sử dụng vốn, tình hình hình sử dụng vốn, từ đó, cùng với nhà đầu tư đề ra phương án giải quyết, vượt qua giai đoạn thách thức. Đây là điểm cần phát huy hơn nữa và là cơ hội để chính doanh nghiệp củng cố năng lực, phân loại, sàng lọc và bứt phá, vươn lên.
Nhân dịp năm mới, tôi luôn có mong muốn đất nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân với tố chất luôn vượt qua gian khó sẽ tiếp tục phát huy được kết quả tích cực năm 2022, vượt qua khó khăn năm 2023 và đạt kết quả tích cực nhất.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Quỳnh Lê (thực hiện) -