Vĩnh Phúc: Tạm giữ gần 3.000 sản phẩm quần áo nhập lậu Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp buôn vàng làm giả nhãn hiệu nổi tiếng bị phạt nặng Vĩnh Phúc: Tiêu hủy 40 chiếc điện thoại di động Iphone tang vật vi phạm trị giá hơn 400 triệu đồng |
Xử lý vi phạm hơn 300 triệu đồng với các cơ sở kinh doanh vàng
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 55 cơ sở kinh doanh vàng, bạc; trong đó, 27 công ty, 25 doanh nghiệp tư nhân và 3 hộ cá nhân. Thị trường vàng ở Vĩnh Phúc chủ yếu là vàng trang sức. Thời gian gần đây, nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn đã mua bán một số mặt hàng trang sức mang nhãn hiệu giả mạo, nhãn hiệu được bảo hộ của các thương hiệu nổi tiếng…, diễn ra tại các huyện, thành phố: Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Phúc Yên. Lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với công an tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, ra quân xử lý đồng loạt.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh vàng. Ảnh: Thu Thủy |
Những diễn biến phức tạp của thị trường kinh doanh vàng trong và ngoài nước đã ảnh hưởng đến ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Nhằm thực hiện hiệu quả Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý vàng và các văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, thống kê lập danh sách các cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn được phân công phụ trách quản lý; tăng cường công tác quản lý địa bàn thực hiện các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các lực lượng chức năng như cảnh sát kinh tế, khoa học công nghệ để kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh vàng.
Kết quả, từ đầu năm đến nay, đã phát hiện, tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với 8 cơ sở kinh doanh vàng, trong đó có 3 công ty, 5 doanh nghiệp tư nhân với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; hành vi vi phạm không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; (1 vụ trình chủ tịch UBND tỉnh xử phạt với số tiền 140 triệu đồng; giá trị hàng hóa vi phạm 76 triệu đồng). Trị giá hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy là gần 140 triệu đồng, chủ yếu gồm: mặt dây chuyền, nhẫn, bông tai giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như GUCCI, DIOR, LOUIS VUITTON, CHANEL...
Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường vàng
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu mặt hàng vàng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường thực hiện tuyên truyền pháp luật và vận động các tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng bằng các hình thức tuyên truyền trực tiếp, phát tài liệu, tờ rơi tuyên truyền… thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát.
Các Đội quản lý thị trường đã phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) tổ chức hội nghị tập huấn phân biệt hàng giả, hàng thật cho công chức Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh như công an, hải quan, thanh tra khoa học và công nghệ.... với gần 70 người tham dự. Phối hợp với cơ quan truyền thông trong tỉnh duy trì các chuyên mục: “Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp thường xuyên đăng tải các tin bài, phóng sự về hoạt động đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng, các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ.
Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường vàng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh với các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, hạn chế tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại; ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuyên truyền pháp luật và vận động các tổ chức, hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Ảnh: Thu Thủy |
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành dừng, khám phương tiện vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm lưu thông qua địa bàn tỉnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Từ nay đến cuối năm, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, theo dõi biến động, liên tục kiểm tra và giám sát mặt hàng vàng, đưa vào nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần bình ổn thị trường vàng.