Cựu Chủ tịch bị khởi tố, nhìn lại thương vụ "ma" cùng vụ cháy hóa đơn hi hữu tại Top One

14/01/2025 - 18:19
(Bankviet.com) Từ việc bị tố mua lại công ty "ma" với giá hàng trăm tỷ đồng đến sự cố cháy tài liệu quan trọng, những bất ổn trong quản trị của cựu lãnh đạo Top one đã bộc lộ từ trước đó.

Theo Công an Tỉnh Hà Giang, ngày 13/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị đã ra Quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Thế Trịnh, sinh năm1978, trú tại Phường Dương Nội, Quận Hà Đông, TP.Hà Nội, để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Cựu Chủ tịch bị khởi tố, nhìn lại thương vụ
Cơ quan điều tra tống đạt quyết định tố tụng đối với ông Nguyễn Thế Trịnh. Ảnh: Công an Hà Giang

Theo kết quả điều tra đã xác định trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 11/2015, Nguyễn Thế Trịnh khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP phân phối Top One (UPCoM: TOP), có địa chỉ tại tổ 1, Thị trấn Nông trường Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; vì động cơ vụ lợi đã giúp sức cho bị can Đinh Văn Tạo (Nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP phân phối Top One, giai đoạn từ tháng 12/2015 đến tháng 4/2019) thực hiện hành vi hợp thức hóa hồ sơ tài liệu, tăng khống vốn điều lệ để thành lập công ty đại chúng (Công ty CP phân phối TopOne), niêm yết cổ phiếu (mã chứng khoán TOP) trên sàn giao dịch chứng khoán và chào bán ra công chúng… nhằm thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.

Trước đó vào ngày 12/01/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với các đối tượng Đinh Văn Tạo và Nguyễn Hữu Khá, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần phân phối Top One để điều tra hành vi Tham ô tài sản.

Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.

Tố cáo của cổ đông và “bóng đen” quản lý

Ngược thời gian trở lại năm 2023, Báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết đã nhận được đơn thư tố cáo từ cổ đông của Công ty Top One, nêu rõ những sai phạm của ông Đinh Văn Tạo (Chủ tịch HĐQT từ năm 2013 đến 2019) và ông Nguyễn Hữu Khá (Chủ tịch HĐQT từ 2019 đến 2022). Hai cá nhân này bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Theo phản ánh, họ đã làm giả nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết HĐQT và nhiều tài liệu khác nhằm chiếm đoạt tài sản của công ty.

Một trong những vụ việc gây chú ý nhất là thương vụ năm 2018, khi Công ty Top One chi 243,2 tỷ đồng mua 95% vốn điều lệ của Công ty CP Chế biến rau củ quả và thảo dược Nam Hà. Công ty này do ông Nguyễn Hữu Khá sở hữu phần lớn cổ phần, được báo cáo là sở hữu nhiều tài sản giá trị như nhà xưởng, dây chuyền chế biến và cơ sở hạ tầng khác. Tuy nhiên, các cổ đông sau đó phát hiện rằng toàn bộ thông tin về tài sản đều bị thổi phồng hoặc không có thật. Công ty Nam Hà thực chất chỉ tồn tại trên giấy, không có bất kỳ cơ sở vật chất hay hoạt động kinh doanh thực tế.

Nhìn lại thương vụ 243 tỷ đồng và vụ cháy hóa đơn hi hữu tại Top One
Một phần nội dung của đơn tố cáo (Nguồn: Báo Tuổi trẻ Thủ đô)

Sau thương vụ này, mặc dù được kỳ vọng mang lại lợi nhuận, Nam Hà không những không tạo ra doanh thu mà còn khiến Top One thua lỗ 2,79 tỷ đồng chỉ trong năm 2019. Để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền chiếm đoạt, ông Khá đã thực hiện giao dịch đổi ngang 95% vốn điều lệ của Công ty Nam Hà với một công ty khác – Công ty CP Nông lâm sản thực phẩm Hà Giang. Giao dịch này bị nghi ngờ chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa các khoản tiền bất chính.

Ngoài ra, nhiều tài liệu tài chính, báo cáo thường niên và văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do ông Khá ký cũng bị tố là giả mạo. Thậm chí, các thành viên HĐQT đã nghỉ việc từ lâu vẫn xuất hiện trong các nghị quyết công ty, làm dấy lên nghi ngờ về sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.

Đỉnh điểm, ngày 14/12/2021, một nhóm cổ đông đã trực tiếp đến trụ sở Công ty Nam Hà để xác minh và phát hiện rằng công ty này không hề có tài sản như báo cáo. Tất cả chỉ là những con số được “vẽ” ra để qua mặt cổ đông và cơ quan chức năng. Những thông tin này đã khiến dư luận phẫn nộ và làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Top One.

Nhìn lại thương vụ 243 tỷ đồng và vụ cháy hóa đơn hi hữu tại Top One
Thông tin được Top one công bố

Một điểm đáng chú ý khác, liên quan đến việc cháy hoá đơn tại Top one, tháng 4/2022, Công ty đã công bố thông tin gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh là toàn bộ khu nhà kho lưu trữ hồ sơ của công ty xảy ra cháy khiến toàn bộ 2 tủ tài liệu và tủ hồ sơ bị hủy hoại.

Bức tranh tài chính của Top one

Theo thông tin được giới thiệu, Công ty CP Phân phối Top One chính thức thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 3/2013, theo Giấy chứng nhận số 0106121967 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp. Với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng.

Trong những năm đầu, hoạt động kinh doanh của Top One tập trung tại Hà Nội, thông qua hệ thống phân phối các đại lý cấp 2 và cửa hàng bán lẻ. Đến cuối năm 2014, công ty bắt đầu mở rộng hoạt động ra các tỉnh thành khác, tiêu biểu là Quảng Ninh. Tại đây, Top One hợp tác với Công ty TNHH Nhật Linh – Móng Cái để phân phối sản phẩm, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc mở rộng thị trường.

Đầu năm 2015, công ty tăng vốn điều lệ lên 39 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, đến năm 2016, công ty tiếp tục nâng vốn điều lệ lên mức 235,5 tỷ đồng và duy trì mức vốn điều lệ này cho tới nay.

Cổ phiếu TOP được đưa lên giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 23/7/2015, với mức giá chào sàn 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau các phiên đầu chào sàn tăng mạnh, đưa thị giá lên mức 15.630 đồng/cp, sau đó đã nhanh chóng quay đầu giảm mạnh. Đến nay, giá trị cổ phiếu này chỉ còn 1.200 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản của cổ phiếu TOP cũng trầm lắng với khối lượng bình quân mỗi ngày chỉ đạt hơn 9.000 đơn vị.

Về kết quả kinh doanh, Top one liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ kể từ năm 2019 cho đến năm 2021, với mức lỗ đỉnh điểm trong năm 2020 lên đến gần 88 tỷ đồng. Hiện, doanh nghiệp này vẫn chưa công báo BCTC kiểm toán năm 2022 và 2023, đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu TOP bị đưa vào tình trạng hạn chế giao dịch.

Theo Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, Top one đã trình ĐHĐCĐ về kết quả thực hiện năm 2023, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là bảo toàn số vốn ít ỏi mà công ty hiện có.

Cựu Chủ tịch bị khởi tố, nhìn lại thương vụ "ma" cùng vụ cháy hóa đơn hi hữu tại Top One
Nguồn: Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Top one

Theo báo cáo tài chính tự lập năm 2023, Công ty ghi nhận tổng tài sản ở mức 162,38 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm hồi đầu năm, chủ yếu là các khoản đầu tư dài hạn vào các công ty liên doanh, liên kết. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Công ty hiện ở mức gần 162,3 tỷ đồng, nợ phải trả của Công ty không đáng kể, chỉ ở mức hơn 83 triệu đồng. Tính đến cuối năm 2023, Top one đang lỗ lũy kế 91,2 tỷ đồng.

Đặc biệt, cũng tại Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, ĐHĐCĐ giao cho Công ty làm việc với các cơ quan chức năng để thu hồi tài sản tham ô từ các lãnh đạo cũ qua các nhiệm kỳ, với số tiền thất thoát lên tới hơn 243 tỷ đồng đã được đề cập ở trên. Tuy nhiên, đến hết năm 2024, việc thu hồi tài sản tham ô từ các lãnh đạo cũ vẫn chưa thể hoàn thành.

Thương vụ chuyển nhượng trăm tỷ và kế hoạch góp vốn vào 16 công ty của Sara Việt Nam

Sara Việt Nam (HNX: SRA) vừa phê duyệt việc chuyển nhượng 100 tỷ đồng vốn góp tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho ...

Lãnh đạo Vietjet gặp gỡ các đối tác tại Hoa Kỳ, hứa hẹn mở ra những thương vụ bạc tỷ?

Đoàn lãnh đạo Vietjet vừa có chuyến tham dự sự kiện "Friends of Vietnam Summit" tại Hoa Kỳ. Chuyến công tác được kỳ vọng sẽ ...

Tuấn Tú

Tuấn Tú

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán