Cựu Chủ tịch Sen Tài Thu bị bắt, nhà đầu tư có lấy lại được tiền?

01/02/2024 - 03:37
(Bankviet.com) Trước sự việc cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu bị bắt, nhiều người băn khoăn, liệu các nhà đầu tư có lấy lại được tiền?
Vì sao cựu Chủ tịch Sen Tài Thu bị bắt? Công an Hà Nội thông tin chính thức vụ bắt cựu Chủ tịch Sen Tài Thu

Mới đây, ngày 28/01/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội (Phòng Cảnh sát kinh tế) thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Phạm Thị Hòa, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Nguyễn Thị Thùy Linh, nguyên Phó Tổng giám đốc (con gái bà Hòa) và Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu.

Ngày 29/1/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 3 đối tượng nêu trên về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước thông tin bà Phạm Thị Hòa, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu bị bắt vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã khiến không ít nhà đầu tư đứng ngồi không yên, lo lắng cho khoản tiền đầu tư vào Sen Tài Thu của mình. Nhiều người đặt câu hỏi, kẻ chủ mưu đã bị bắt, nhưng còn tiền của các nhà đầu tư thì ra sao?

Cựu Chủ tịch Sen Tài Thu bị bắt, nhà đầu tư có lấy lại được tiền?
Một trong những cơ sở trị liệu của Sen Tài Thu.

Trao đổi với Báo Công Thương về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, hình thức lừa đảo thông qua thủ đoạn kêu gọi vốn, hợp tác kinh doanh, đầu tư của các đối tượng là một thủ đoạn khá tinh vi, lợi dụng sự cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều nạn nhân không muốn làm gì nhưng hưởng lãi suất cao và sự thiếu hiểu biết của người dân để khiến họ sập bẫy.

Theo luật sư Tiền, đây là thủ đoạn không mới và đã xuất hiện tại Việt Nam trong nhiều năm gần đây, đặc biệt phải kể đến như vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kinh doanh đa cấp tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt) từng gây bức xúc trong dư luận, và gần đây là vụ việc của Công ty Cổ phần Sen Tài Thu lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng dưới danh nghĩa mua bán cổ phần. Trong đó, vấn đề được rất nhiều người quan tâm là liệu các nhà đầu tư có lấy lại được tiền đã góp không?

Đối với vụ án Sen Tài Thu, các nhà đầu tư đã góp tiền vào doanh nghiệp thì phải làm đơn gửi đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội để được đề nghị tham gia với tư cách là người bị hại. Tuy nhiên, để có căn cứ giải quyết, các nhà đầu tư phải cung cấp các tài liệu chứng minh việc góp vốn, cho vay hay các giao dịch khác với Công ty Sen Tài Thu và kèm theo đó là đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, buộc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt.

Nếu sau khi vụ án được được ra xét xử và bản án hình sự có hiệu lực mà các bị cáo không tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả thì người bị hại có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án để bảo đảm quyền lợi cho mình.

Tuy nhiên, số nhà đầu tư bị lừa không phải con số nhỏ, lên đến hơn 400 người, do đó để có thể đòi được số tiền trên và có thể thi hành án không phải là vấn đề dễ. Vì vậy, các cơ quan tố tụng cần thu thập, xác minh các tài sản của Công ty Sen Tài Thu để áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế thu hồi tài sản, tránh hành vi tẩu tán tài sản của Sen Tài Thu.

Luật sư Tiền chia sẻ thêm, việc đầu tư vào những công ty theo kiểu đa cấp sẽ mang rủi ro cao nhưng vì những món lãi suất cao được các công ty này “vẽ ra”, đánh vào lòng tham nên người dân vẫn chấp nhận rủi ro này. Rủi ro mất tiền là trước mắt còn những hệ lụy ảnh hưởng đến gia đình hay xã hội thì không thể lường trước được.

Chính vì vậy, việc nâng cao cảnh giác là điều rất cần thiết, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ, quan tâm đến năng lực, uy tín, thái độ, các dự án, sản phẩm, thị trường của doanh nghiệp trước khi đầu tư như giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; doanh nghiệp đã từng có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt chưa; tìm hiểu thông tin về lịch sử hình thành và hoạt động đa cấp của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khi đầu tư góp vốn kinh doanh, cần nắm được hoạt động kinh doanh thực tế. Nội dung hợp đồng góp vốn cần ghi rõ ràng, tránh ghi chung chung, bởi khi bị lừa đảo, các cơ quan chức năng rất khó có cơ sở xử lý các đối tượng.

Đối với các trường hợp lôi kéo, mời chào thì kiên quyết từ chối, phải nhớ rằng:Lãi suất cao, lên đến hàng trăm phần trăm, thì cũng có khả năng mất trắng”. Trường hợp những người này liên tục làm phiền thì có thể nhờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng để chấm dứt tình trạng trên.

Phân tích thêm, một số luật sư cho rằng, nếu các nhà đầu tư muốn sớm lấy được tiền, họ cần nhanh chóng tập hợp, cung cấp tài liệu, chứng cứ về vụ việc cho cơ quan chức năng. Việc này vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng, vừa giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong việc củng cố hồ sơ điều tra. Dù vậy, thời gian lấy lại được số tiền đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan tiến hành tố tụng.

Phương thức huy động vốn của Công ty Sen Tài Thu có dấu hiệu của mô hình đa cấp Ponzi, lấy tiền của người vào sau trả cho người vào trước, đến khi không “kéo” thêm được nhà đầu tư mới sẽ sụp đổ. Thông thường, điều này đồng nghĩa với việc số tiền lấy từ nhà đầu tư để duy trì cho toàn hệ thống chỉ còn rất ít hoặc thậm chí… không còn.

Đồng thời, cần lưu ý rằng sau khi các quyết định tố tụng như khởi tố vụ án, khởi tố bị can nếu như đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành phong tỏa tài sản, phong tỏa tài khoản, phong tỏa giao dịch dân sự, kinh tế liên quan đến cá nhân, tổ chức để đảm bảo thi hành án sau này nên khả năng trả lại tiền cho các nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương