Đã đến lúc Hòa Phát chứng minh năng lực ‘làm việc khó’ của chính mình
Hòa Phát đang bước vào thời điểm bản lề để chứng minh năng lực thực thi những việc khó mà ít doanh nghiệp trong nước dám làm – từ HRC đến ray tàu cao tốc.
Lợi nhuận bật tăng, thị phần vững vàng
Trong lúc nhiều doanh nghiệp thép trong nước vẫn đang loay hoay vượt qua chu kỳ đáy, Tập đoàn Hòa Phát không chỉ chứng minh vị thế của một doanh nghiệp thép hàng đầu mà còn tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong thông qua những “việc khó” mà không nhiều doanh nghiệp nội dám làm.

Trong quý II/2025, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất khoảng 2,5 triệu tấn thép thô, tương đương với quý I và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng bán hàng bao gồm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 2,6 triệu tấn, tăng 9% so với quý trước và 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép thô của Hòa Phát đạt 5,1 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ 2024. Tổng sản lượng tiêu thụ các dòng sản phẩm chính đạt 5 triệu tấn, ghi nhận mức tăng 23% so với nửa đầu năm ngoái.
Đáng chú ý, riêng thép cuộn cán nóng đạt 2,2 triệu tấn, tăng mạnh 42% so với cùng kỳ, trong khi thép xây dựng và thép chất lượng cao đạt 2,5 triệu tấn, tăng 11%. Hòa Phát tiếp tục giữ vững vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam về thép xây dựng, với thị phần 38%.
Về tài chính, quý II/2025, tập đoàn ghi nhận hơn 36.000 tỷ đồng doanh thu và 4.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất đạt hơn 74.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 23% so với cùng kỳ 2024.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2025, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, doanh nghiệp đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận. Mảng thép và các sản phẩm liên quan tiếp tục là trụ cột, đóng góp gần 90% doanh thu hợp nhất của toàn tập đoàn.
Sự phục hồi này diễn ra trong bối cảnh toàn ngành thép Việt Nam đang dần bước ra khỏi chu kỳ suy thoái 2022–2023. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng như thép xây dựng, HRC và thép ống đều ghi nhận xu hướng tăng trưởng. Giá thép toàn cầu cũng đang duy trì ổn định nhờ động thái cắt giảm sản lượng sâu từ Trung Quốc – quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Bệ phóng lớn nhất của Hòa Phát trong thời gian tới chính là đại dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 – một trong những tổ hợp sản xuất thép hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến sẽ được vận hành từ cuối năm 2025, nâng tổng công suất của tập đoàn lên hơn 14 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) sẽ đạt 9 triệu tấn – đủ sức đáp ứng toàn bộ nhu cầu HRC của thị trường Việt Nam hiện nay.
Đặc biệt, lò cao số 6 – một trong những hạng mục trọng điểm của Dung Quất 2 dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 9 tới. Sau khi toàn bộ dự án hoàn thành, tổng công suất sản xuất thép của Hòa Phát sẽ cán mốc 16 triệu tấn/năm, nâng vị thế tập đoàn lên tầm cao mới trong ngành thép khu vực.
Từ HRC đến ray tàu cao tốc: Hòa Phát đang làm điều ít ai dám làm
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất của ngành công nghiệp thép Việt là sự phụ thuộc vào nhập khẩu thép cuộn cán nóng (HRC). Trong suốt nhiều năm, chưa doanh nghiệp nội nào có thể đủ tầm đầu tư bài bản vào mảng này vì đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao và chu kỳ thu hồi vốn dài. Tuy nhiên, Hòa Phát là ngoại lệ.
Với dự án Dung Quất 2 đang được gấp rút triển khai, Hòa Phát kỳ vọng nâng tổng công suất sản xuất thép lên 16 triệu tấn/năm, trong đó có tới 9 triệu tấn HRC, đủ đáp ứng 100% nhu cầu trong nước. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm nay, và riêng lò cao số 6 – trái tim của dây chuyền sẽ vận hành trong tháng 9/2025.
Điều đặc biệt là trong lúc thị trường còn đang thận trọng, Hòa Phát tiếp tục công bố kế hoạch khởi công nhà máy sản xuất ray tàu, tàu cao tốc và thép định hình đặc biệt tại Dung Quất vào ngày 19/8/2025. Đây là nhóm sản phẩm phức tạp, đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cực cao và vốn đầu tư lớn. Hòa Phát đặt mục tiêu cung cấp vật liệu cho các dự án quốc gia như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai, hay các tuyến metro của TP.HCM và Hà Nội – vốn lâu nay phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.
Không nhiều doanh nghiệp Việt chọn bước chân vào lĩnh vực ngách nhưng đòi hỏi khắt khe như vậy. Nhưng với Hòa Phát, "làm việc dễ không phải là lựa chọn".
Một năng lực bền bỉ và tầm nhìn chiến lược
Hòa Phát từng được biết đến là doanh nghiệp thép xây dựng số 1 Việt Nam. Giờ đây, họ đang định hình lại vai trò – không chỉ là nhà sản xuất thép thương mại mà là nhà cung ứng vật liệu chiến lược cho công nghiệp hạ tầng quốc gia.
Từ việc tự đầu tư sản xuất HRC – vốn là “xương sống” cho ngành cơ khí chế tạo đến nội địa hóa ray tàu – vốn nằm trong tay các nhà thầu châu Âu, Trung Quốc, Hòa Phát đang dần đưa ngành thép Việt ra khỏi vùng an toàn, vươn tới những phân khúc khó hơn, có giá trị cao hơn.
Dù vậy, thách thức cũng không ít. Chu kỳ giá thép vẫn tiềm ẩn rủi ro do phụ thuộc vào biến động từ Trung Quốc. Nhu cầu nội địa hóa trong ngành cơ khí – vận tải còn chưa phát triển đồng bộ. Nhưng với nội lực tài chính, khả năng tích lũy công nghệ và tinh thần “đi trước mở đường”, Hòa Phát cho thấy họ sẵn sàng đi dài hơi, kể cả trong điều kiện không dễ dàng.
Nếu như hơn một thập kỷ trước, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao thì hôm nay, Hòa Phát đang từng bước đưa ngành thép Việt Nam tiến vào nhóm có khả năng chủ động toàn chuỗi, từ nguyên liệu, sản xuất, chế biến đến cung ứng cho các ngành công nghiệp hạ tầng, chế tạo và giao thông vận tải.
Chặng đường phía trước sẽ không dễ dàng, nhưng điều chắc chắn là: Muốn thép Việt có vị thế vững chắc trên bản đồ công nghiệp khu vực, cần nhiều hơn những doanh nghiệp sẵn sàng "làm việc khó" như Hòa Phát.