Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Bảo hiểm xã hội "đóng vào dễ, lấy ra khó"

23/11/2023 - 23:12
(Bankviet.com) Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - đoàn TP. Hồ Chí Minh, cần giải quyết triệt để tình trạng đóng tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội dễ, lấy ra khó.
Hưởng lương bảo hiểm xã hội thấp, lo ngại “nghèo hóa” trong tương lai Đề xuất đưa tài xế xe công nghệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

"Đóng vào thuận tiện, lấy ra dễ gì"

Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội sáng ngày 23/11, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - đoàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta đang quá quan tâm đến tăng thu giảm chi điều này đã dẫn đến tình trạng người lao động đóng bảo hiểm xã hội thì dễ mà lấy ra thì khó.

Theo đại biểu, bảo hiểm xã hội làm sao phải cân bằng, đảm bảo an sinh xã hội. "Chúng ta đang tập trung thêm nhiều đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội nhưng chỉ thêm phần "chi". Nhưng phần "thu" đang bị mắc kẹt. Cụ thể, đối với bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp không đóng cho người lao động, người lao động mất hết thì phải làm như thế nào?"- đại biểu Phong Lan đặt câu hỏi.

Phân tích của đại biểu Phong Lan cho thấy, toàn bộ Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bao gồm những bảo hiểm do Nhà nước quản lý: Từ Bảo hiểm xã hội bắt buộc và Bảo hiểm xã hội tự nguyện mà không có dòng nào đề cập đến Bảo hiểm tư nhân. Trong khi Bảo hiểm tư nhân cũng là một nguồn lực. Chúng ta nên có định chế để quy định, tránh tình trạng sau đó, người lao động "gửi vào thuận tiện, lấy ra dễ gì".

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Bảo hiểm xã hội
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - đoàn TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thu Hường)

So sánh cơ chế giữa bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tư nhân, nữ đại biểu đến từ TP. Hồ Chí Minh khẳng định: "Đối với bảo hiểm tư nhân, làm gì có việc khi chưa đủ thời gian, người đóng được rút. Nếu có sẽ rất thiệt hoặc chỉ được một chút tiền thôi. Tôi nghĩ chúng ta đang làm phức tạp vấn đề".

Hiện nay, riêng Bảo hiểm bắt buộc có tổng mức đóng là 22%. Ví dụ, một công nhân làm cho công ty, người công nhân tự trả là 8%, còn 14% là doanh nghiệp trả. Đa số các doanh nghiệp có xu hướng chiếm dụng luôn khoản này. Đợi mãi doanh nghiệp không trả lại người lao động mất. "Người lao động nghĩ tưởng đóng 8% nhưng bản thân mình không có bảo hiểm". - đại biểu Phong Lan cho hay.

Nên để người lao động tự đóng bảo hiểm xã hội thay vì việc trích quỹ

Ví dụ doanh nghiệp có đóng, người lao động gặp khó khăn lại có suy nghĩ là được hưởng 14%, muốn rút luôn một lần. Đây chính là vấn đề. Chúng ta bỏ qua câu chuyện người lao động đóng. Ngay từ đầu, nên có cơ chế mở là người lao động tự đóng thay vì việc trích quỹ đưa vào nợ. Chẳng hạn, doanh nghiệp đưa tăng 14% bảo hiểm xã hội vào lương và đưa luôn cho người lao động. Người lao động tự đi đóng bảo hiểm. Trường hợp xấu nhất, người lao động không đóng cũng không có tình trạng không ai chiếm dụng của ai. Ít nhất điều này người lao động được hưởng.

Hoặc với công chức, bảo hiểm hàng tháng được trừ vào lương. Nhưng cũng cần có hình thức với những người thích tự đóng. Tôi cho rằng đây là một sáng kiến nhưng nhiều người lại cho rằng "thả gà ra đuổi".

Cũng cần nhìn nhận, xác suất người lao động không đóng là quyền lợi thiết thân của họ. Nếu đóng bảo hiểm có lợi, họ chắc chắn đóng. Việc mua bảo hiểm tư nhân, bảo hiểm tự nguyện là khi họ có bệnh nặng lắm, mong rút lại nhiều hơn. Nếu không đóng, đây cũng chính là tiền của họ.

"Sẽ không có tình trạng khiếu kiện như thực tế người sử dụng lao động gom khoản 14% này từ năm này sang năm khác, có tình trạng chậm đóng, không đóng là số tiền rất lớn. Cuối cùng, người lao động thiệt thòi". - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận xét.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương