Nêu ý kiến các phiên thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và định hướng năm 2023, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, lành mạnh hóa thị trường tài chính là việc cấp thiết, quan trọng cần thực hiện hiệu quả trong thời gian tới. Quan tâm đến vấn đề này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng thị trường tài chính minh bạch, lành mạnh, hướng tới mục tiêu phục hồi và phát triển bền vững.
Phát triển thị trường chứng khoán ổn định, bền vững, lành mạnh |
Trước đó, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, tình hình kinh tế, xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến việc phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đầu tư các dự án mới và cả người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp.
Tại các phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong thời gian tới, cần khắc phục vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện môi trường pháp lý để phát triển đồng bộ các loại thị trường ổn định, lành mạnh, bền vững, hiệu quả, hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, lao động và khoa học công nghệ.
Đặc biệt, cần có những giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất. Kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Về thị trường vốn, các đại biểu nhấn mạnh, cần nhanh chóng hoàn thiện quy định sửa đổi về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, chào bán, giao dịch chứng khoán riêng lẻ (cổ phiếu, trái phiếu) tại thị trường trong nước, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính đáng.
Về thị trường bất động sản, cần nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) theo Nghị quyết số 50/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022; tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và phân loại doanh nghiệp, dự án, công trình đầu tư và vốn, tài sản nhà nước để có giải pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp. Rà soát phát hiện và có biện pháp xử lý các doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả. Có các giải pháp phù hợp để lành mạnh hóa tình hình tài chính, xử lý dứt điểm tồn đọng tài chính, nợ không có khả năng thanh toán và các tài sản không sinh lời trong các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thành viên.
Hoàng Quyên