Tham ô, tham nhũng trong phòng, chống dịch phải xử lý nghiêm khắc
Ngày 29/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn TP. Hà Nội phát biểu tại hội trường |
Liên quan đến công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - đoàn Hà Nội cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đã khống chế thành công nhất đại dịch Covid-19. Trong đó, chiến lược ngoại giao vắc xin rất tốt, rất nhanh và rất thành công, nên đã có ngay vắc xin để tiêm phòng cho nhân dân.
Đồng thời, đã nhanh chóng thành lập Quỹ vắc xin để kịp thời bổ sung nguồn lực chống dịch. "Nhờ có vắc xin kịp thời, đầy đủ mà chúng ta đã chặn đứng được đại dịch, cứu được sinh mạng của nhân dân. Đó thực sự là hiệu quả vô giá về nguồn lực trong phòng, chống dịch Covid-19" - đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Đại biểu đồng tình với đánh giá của Đoàn giám sát nêu: Quốc hội trân trọng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng, chống Covid-19. Đây là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình thương yêu, lòng nhân ái.
Thấu hiểu điều này, đại biểu đề nghị Chính phủ lấy đúng tinh thần của Nghị quyết 30 và Nghị quyết 43 của Quốc hội để thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch cho các lực lượng, các địa phương, các đơn vị. Đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác biểu dương, khen thưởng cho các đơn vị, các cá nhân đã tham gia chống đại dịch Covid-19. "Đại dịch Covid-19 ác liệt không khác gì một cuộc chiến tranh, đóng góp của nhân dân vừa qua rất lớn" - ông Nguyễn Anh Trí nói
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Thậm chí, có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực rất ít có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ...
"Có những cú lừa ngoạn mục sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức cơ sở sản xuất test kit thật đau đớn, đáng lên án và sự trả giá là quá đắt, quá lớn" - ông Trí nêu, đồng thời cho rằng, ai tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống Covid-19 cần phải xử lý thật nghiêm khắc.
Tuy nhiên, cũng cần xem xét thật có lý, có tình, công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch nhằm lợi ích của cộng đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội. Hơn nữa, nên chấm dứt sớm việc này để xã hội ổn định, cán bộ vững lòng thực hiện những công vụ mới.
Đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19 ở Việt Nam
Một vấn đề khác, đại biểu mong Bộ Y tế chú ý đến công tác sản xuất test kit và sản xuất vắc xin. Việt Nam không thể kém hơn quốc tế, nhất là các nước quanh ta. Test kit và vắc xin đang cần và cần nhiều cho việc chẩn đoán và phòng ngừa nhiều bệnh khác, nhất là các bệnh dịch mới nổi.
"Tuy nhiên, đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19 ở Việt Nam. Bởi bây giờ đã quá muộn để nghiên cứu sản xuất loại vắc xin này. Thay vào đó, cần tìm mua loại vắc xin chống Covid-19 tốt, với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho nhân dân" - đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.
Về việc thực hiện chính sách pháp luật và y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhất trí với tất cả các nội dung trong báo cáo của Đoàn giám sát, đồng thời nhận định, tổ chức hệ thống y tế cơ sở cần ổn định nhưng linh hoạt và phải đến gần dân nhất, bao gồm cả y tế trường học, y tế cơ quan, y tế trong doanh nghiệp và nên tạo điều kiện cho y tế tư nhân tham gia sâu, rộng trong hệ thống y tế cơ sở.
Cùng với đó, cần đảm bảo kinh phí cho y tế dự phòng hoạt động và kinh phí này phải được sử dụng vào chính các hoạt động chuyên môn tại các cơ sở y tế, như vậy sẽ rất hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và tạo ra nguồn thu cho cho y tế cơ sở, đảm bảo thu nhập cán bộ y tế cơ sở.
Ngoài ra, cần tạo thêm các cơ chế linh hoạt, hiệu quả cho y tế cơ sở, đặc biệt y tế trường học, doanh nghiệp, cơ quan trong việc hợp tác với các cơ sở y tế khác để thuê mướn người làm việc là bác sĩ giỏi từ tuyến trên, từ trường đại học, thuê mướn dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ở y tế cơ sở cũng như để thực hiện các chương trình y tế do cấp trên phân công.
Với việc ra đời của Nghị định 07 của Chính phủ và Nghị quyết 30 của Chính phủ, về cơ bản việc mua sắm thuốc không còn ách tắc, nhưng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra để không xảy ra thiếu thuốc cho bệnh nhân, đặc biệt ở tuyến cơ sở.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tăng mức phụ cấp của cán bộ làm công tác dân số, công tác tại y tế cơ sở lên 100% như tinh thần của Nghị định 05 Chính phủ ngày 15/2/2023 và đề nghị Quốc hội có 1 chương trình mục tiêu quốc gia để đủ nguồn lực tạo ra sự chấn hưng rõ ràng của ngành y tế Việt Nam.
Quỳnh Nga - Thu Hường