Đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế, Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 cho hay, chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được quy định cụ thể) đạt được kết quả tích cực.
Cụ thể, số thuế VAT dự kiến giảm khi xây dựng chương trình là 49.400 tỷ đồng (trong tổng 350.000 tỷ đồng của gói hỗ trợ bao trùm tất cả các lĩnh vực). Kết quả, số thực hiện trong năm 2022 đạt 44.458 tỷ đồng giúp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, người dân hưởng ứng.
Với những kết quả tích cực của chính sách này, Chính phủ đề xuất và được Quốc hội thông qua việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế VAT cho nửa cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024.
Như vậy, tính đến tháng 5/2024, Quốc hội đã 3 lần ban hành giảm thuế VAT hỗ trợ nền kinh tế gồm: Lần 1 từ ngày 1/2 - 31/12/2022; Lần 2 từ ngày 1/7 - 31/12/2023; Lần 3 từ 1/1 - 30/6/2024.
Tại phiên thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, các đại biểu đã đề nghị Quốc hội tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8%.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhận định, việc giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết số 43 đã có tác động tích cực trực tiếp đến đời sống xã hội, qua đó giảm giá thành sản phẩm, trong đó phần lớn là các nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hằng ngày của nhân dân, giúp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho đời sống của người dân.
Mặt khác, chính sách còn có tác dụng kích cầu tiêu dùng đối với các doanh nghiệp. Việc giảm thuế góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có báo cáo về tình hình triển khai nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT 2%, đồng thời có tờ trình về việc tiếp tục giảm thuế VAT đến hết năm 2024.
Đại biểu Dương Khắc Mai khẳng định ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, đối tượng được giảm thuế VAT cần được rà soát kỹ lưỡng để có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay, do đối tượng giảm thuế VAT theo Nghị quyết 43 được ban hành trong bối cảnh rất đặc biệt và khác nhiều so với thời điểm hiện tại.
Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đồng quan điểm đề nghị Quốc hội có thể cho phép kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết để hoàn thành các công trình, phần việc do những khó khăn, bất cập mà như nhiều đại biểu đã phân tích, nhằm tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh khẳng định, giảm thuế VAT 2% là nhóm chính sách thành công, mang lại hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế.
Theo đại biểu, bên cạnh việc góp phần kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chính sách giảm thuế VAT cũng góp phần tăng thuế thu nhập cho doanh nghiệp. Do vậy, Quốc hội cần có sự đánh giá rõ thêm hiệu quả của chính sách mang lại, đồng thời đề nghị tiếp tục kéo dài chính sách này trong thời gian tới.
Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT 2%, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp.
Đồng tình kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2%, tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng lưu ý trong bối cảnh hiện nay, nên ưu tiên tính khả thi của chính sách.
“Việc giảm thuế xăng, dầu là giải pháp vô cùng thiết thực khi giá nhiên liệu toàn cầu tăng, giúp cho quá trình phục hồi kinh tế diễn ra thuận lợi hơn. Giải pháp gia hạn nộp thuế đến cuối năm cũng rất thiết thực vì doanh nghiệp như được vay một khoản ngắn hạn lãi suất 0%, có tác dụng rất lớn đối với doanh nghiệp”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói thêm.
M.Đ