Đại biểu Quốc hội kỳ vọng và đánh giá cao việc soạn thảo sửa đổi Luật Hóa chất

08/05/2025 - 14:35
(Bankviet.com) Đại biểu Quốc hội kiến nghị sửa đổi Luật Hóa chất theo hướng tăng tính bền vững, khuyến khích doanh nghiệp và rõ trách nhiệm để đảm bảo phù hợp thực tiễn.
Dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi sau chỉnh lý đã rút gọn, tập trung nhiều vấn đề quan trọng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ 6 nhóm vấn đề lớn trong Luật Hóa chất sửa đổi

Cơ quan soạn thảo đã báo cáo, tập hợp chi tiết các ý kiến

Phát biểu tại phiên thảo luận hội trường sáng 8/5, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) cho biết: Bà đồng tình với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo trình tại kỳ họp lần này. Bà đánh giá cao sự đầy đủ, chi tiết của báo cáo trong việc tổng hợp và phản ánh các ý kiến của Đại biểu Quốc hội và các bên liên quan.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc)
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc). Ảnh: VPQH

Từ thực tiễn tại địa phương và bối cảnh chung của ngành, đại biểu Thu Nguyệt góp ý ba vấn đề lớn.

Thứ nhất, về chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất (Điều 5), bà nhấn mạnh rằng, ngành công nghiệp hóa chất giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế quốc gia, do đó cần xác lập chiến lược phát triển dài hạn, có tầm nhìn bền vững. Bà đề xuất bổ sung yếu tố "bền vững" vào yêu cầu xây dựng chiến lược, cùng với việc định hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy hóa chất thân thiện môi trường, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập quốc tế.

Thứ hai, về nguyên tắc hóa học xanh quy định tại Điều 7, đại biểu ghi nhận đây là một điểm mới tiến bộ. Tuy nhiên, bà cho rằng, việc quy định nguyên tắc này theo hướng bắt buộc sẽ khó khả thi trong thực tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên tắc hóa học xanh mang tính định tính, nên việc đánh giá có thể mang tính chủ quan, dẫn tới tùy tiện trong áp dụng giữa các dự án. Đại biểu đề nghị chuyển đổi từ nguyên tắc bắt buộc sang cơ chế khuyến khích, đi kèm chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện.

Thứ ba, về an toàn trong hoạt động hóa chất (Điều 35), khoản 2 quy định người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất phải có trình độ phù hợp. Tuy nhiên, bà cho rằng, quy định này là đúng nhưng chưa đủ. Trên thực tế, nhiều người có chuyên môn nhưng không có quyền hạn xử lý, dẫn tới bị động khi phát hiện vi phạm hoặc nguy cơ mất an toàn. Do đó, bà đề nghị chỉnh lý quy định theo hướng: "Người chịu trách nhiệm chuyên môn về an toàn hóa chất phải có quyền hạn và trình độ phù hợp", nhằm nâng cao hiệu lực giám sát và xử lý tại chỗ.

Rà soát phạm vi điều chỉnh, hoàn thiện phân công trách nhiệm quản lý nhà nước

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, ông đồng tình với dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), đánh giá cao nỗ lực tiếp thu tối đa các góp ý từ kỳ họp trước và việc tinh giản 37 điều thể hiện tư duy lập pháp mới, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, giao Chính phủ, bộ, ngành và địa phương quy định chi tiết để đảm bảo linh hoạt, cập nhật.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc)
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc). Ảnh: VPQH

Góp ý cụ thể, đại biểu Tiến tập trung vào 4 nội dung trọng tâm:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1 và khoản 18 Điều 4), ông cho rằng, khái niệm "hoạt động hóa chất" đã bao gồm nghiên cứu và thử nghiệm, tuy nhiên trong Chương III về quản lý hoạt động hóa chất lại chưa bao gồm các quy định cụ thể đối với hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm. Ông đề nghị bổ sung nội dung này để đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện trong quản lý.

Thứ hai, về trách nhiệm quản lý nhà nước về hóa chất (Điều 4), ông góp ý rằng, nội dung này đang nằm trong chương quy định chung, trong khi đáng lẽ nên là một chương riêng do tầm quan trọng và tính điều hành. Tại khoản 3, ông kiến nghị bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung quản lý nhà nước về hóa chất, bao gồm cả trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành và UBND các cấp.

Thứ ba, về chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất (Điều 5), ông đề xuất dự thảo cần làm rõ mục tiêu, quan điểm và nội dung điều chỉnh chiến lược, hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo chiến lược được triển khai thực chất, không hình thức.

Thứ tư, về trách nhiệm tổ chức thực hiện chiến lược (Điều 6), ông kiến nghị bổ sung quy định cụ thể về điều kiện, trình tự và thủ tục điều chỉnh chiến lược, đảm bảo tính linh hoạt nhưng có kiểm soát, đồng thời hạn chế việc tùy tiện thay đổi định hướng phát triển của ngành hóa chất.

Dự thảo Luật sau chỉnh lý đã rút gọn từ 89 điều còn 52 điều, gồm 8 chương, trong đó nội dung nổi bật là khái niệm “sản phẩm hóa dược” được xác định lại để tránh hiểu nhầm với thuốc và nguyên liệu làm thuốc theo Luật Dược. Khái niệm mới này giúp làm rõ phạm vi điều chỉnh, phân biệt với các sản phẩm thuộc Luật Dược, đồng thời tạo hành lang pháp lý để khuyến khích đầu tư phát triển ngành hóa dược, lĩnh vực mang hàm lượng công nghệ cao.

Hoàng Nhưỡng

Theo: Báo Công Thương