Đại biểu Quốc hội "truy" đấu giá quyền khai thác khoáng sản

04/06/2024 - 23:23
(Bankviet.com) Theo đại biểu Quốc hội, đấu giá khai thác khoáng sản là nguyên tắc cơ bản trong cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản.
Từng bước lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Khai thác khoáng sản phải hướng đến chế biến sâu Sai phạm nối tiếp sai phạm trong khai khoáng sẽ chuyển cơ quan điều tra

Định hướng hoàn thiện chế định đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Ngày 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7. Nhóm vấn đề đầu tiên chất vấn thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn

Đại biểu Ma Thị Thúy - đoàn Tuyên Quang cho biết, vấn đề đấu giá khai thác khoáng sản là nguyên tắc cơ bản trong cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản. Vì vậy, đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian qua vấn đề này được thực hiện như thế nào? Đồng thời cho biết trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ định hướng hoàn thiện chế định đấu giá quyền khai thác khoáng sản như nào?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu rõ, về đấu giá khai thác khoáng sản, thực hiện luật vừa qua, chúng ta đã thực hiện đấu giá khai thác khoáng sản đối với 837 khu vực khoáng sản ở các mỏ. Việc tăng cường việc đấu giá khoáng sản vừa đảm bảo góp phần vào ngân sách nhà nước cũng như là hiệu quả sử dụng của khoáng sản.

Theo ông Khánh, Điều 22 Nghị định 158 cũng đã đề cập để đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh năng lượng đã quy định rõ các mỏ khoáng sản để đảm bảo an ninh năng lượng như than, uranium, thorium, các mỏ đá vôi, đá sét là nguyên liệu xi măng được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án sản xuất xi măng; các mỏ nước khoáng được quy hoạch cho các dự án nghỉ dưỡng, du lịch.

Các khu vực khoáng sản vành đai biên giới, khu vực chiến lược về quốc phòng, an ninh; các mỏ khoáng sản đã được cấp phép thăm dò khoáng sản... Những loại hình như vậy, chúng ta không đấu giá.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Căn cứ vào tình hình thực tế và thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu thực hiện Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó, có đề cập đến việc muốn đấu giá khoáng sản phải tăng cường ưu tiên nguồn lực để điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Tranh luận phần trả lời chất vấn về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, việc đấu giá còn phụ thuộc vào quy định về các khu vực cấp phép khai thác không thông qua đấu giá vì liên quan đến quốc phòng, an ninh và các quy định cụ thể khác, đại biểu Trần Hữu Hậu, đoàn Tây Ninh dẫn báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 441 giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá.

Bên cạnh đó Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cấp khoảng 3.000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu giá. Sau đấu giá, giá tăng 20- 40% so với giá khởi điểm. Như vậy tỉ lệ cấp phép khai thác không qua đấu giá là rất thấp, dù hiệu quả cao hơn. Đại biểu nêu câu hỏi, vậy Bộ trưởng có chắc chắn hàng ngàn khu vực khoáng sản cấp quyền khai thác thông qua đấu giá hơn 10 năm qua là đúng theo quy định không?

Đại biểu nêu câu hỏi: Một số doanh nghiệp nhà nước hiện đang nắm giữ, một số khu vực đã hoàn thành việc thăm dò, có đủ điều kiện đấu giá nhưng chưa thể đưa vào khai thác. Vậy, chúng ta có thể thực hiện được đấu giá các mỏ này để huy động nguồn lực xã hội và khai thác, góp phần phát huy hiệu quả tài nguyên khoáng sản cho phát triển đất nước, không, đại biểu đoàn Tây Ninh chất vấn.

Giải pháp thu đúng, thu đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

Liên quan đến việc cần thiết phải đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản cũng như việc tiếp tục hoàn thiện quy định về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - đoàn Quảng Bình cho rằng, Bộ trưởng chưa đề cập đến thực trạng thực hiện việc đấu giá hiện nay.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, còn nhiều tồn đọng trong xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, việc thực hiện đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản còn nhiều vi phạm, nhiều địa phương chậm thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản…

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn thực trạng, trách nhiệm và giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm khắc phục những hạn chế tiêu cực của những vấn đề trên nhằm thu đúng, thu đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật?

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Trước những vấn đề đại biểu đặt ra liên quan đến tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, tiền cấp quyền khai thác thực hiện theo Luật Khoáng sản.

Sau 13 năm thực hiện, chính sách này đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; cũng như trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giấy phép. Bộ trưởng cho biết, tính đến năm 2023, tổng số tiền thu được từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt trên 55.887 tỷ đồng, như vậy mỗi năm thu khoảng 5000 tỷ đồng.

Bộ trưởng thừa nhận trong quá trình thực hiện cũng có một số bất cập như đại biểu băn khoăn đó là tiền cấp quyền được tính theo trữ lượng khai thác và không phụ thuộc vào trữ lượng khai thác thực tế, vì vậy có nhiều biến động.

Bởi khi điều tra cơ bản địa chất phục vụ khai thác khoáng sản, nhưng có nhiều mỏ khoáng sản không thể đánh giá trữ lượng tuyệt đối. Tiền cấp quyền được tính trên cơ sở kết quả điều tra thăm dò khoáng sản nên độ chính xác tương đối.

Để tính toán được tiền cấp quyền hợp lý và phù hợp, trong dự thảo Luật Địa chất khoáng sản, cơ quan soạn thảo tham mưu theo hướng, tiền cấp quyền vẫn tính theo trữ lượng nhưng được quyết toán theo khối lượng thực tế. Điều này có nghĩa là sau này khối lượng thực tế của mỏ bao nhiêu, trữ lượng thực tế như thế nào để tránh việc tính tiền cấp quyền khi trữ lượng đang được đánh giá trên điều tra cơ bản.

Liên quan đến vấn đề kéo dài thời hạn khai thác của một số doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Thân - đoàn Thái Bình đặt vấn đề: Hiện nay có một số doanh nghiệp đã hết thời gian được khai thác theo giấy phép rất mong muốn kéo dài thời hạn.

Nêu rõ quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, về quản lý các mỏ hết thời gian cho phép khai thác theo giấy phép, thời gian cấp phép mỏ tối đa là 30 năm, các mỏ được phép gia hạn nhiều lần, tổng thời gian không quá 20 năm, nghĩa là tuổi thọ của một mỏ theo luật là 50 năm.

Như vậy, trường hợp các mỏ sau khi khai thác 30 năm mà đang còn trữ lượng, chủ mỏ đã thực hiện đầy đủ các giấy tờ thủ tục, thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, trước khi hết hạn 45 ngày, chủ mỏ cần làm hồ sơ đề xuất để xin gia hạn. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ để quyết định việc tiếp tục giao mỏ theo quy định, ông Khánh nêu rõ.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương