Sáng 29/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - đoàn Bình Định phát biểu thảo luận |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - đoàn Bình Định cho rằng, nên xét công bố hết dịch Covid-19. Việt Nam có thể yên tâm công bố khi đã đủ điều kiện về tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ bao phủ vaccine rộng, tình hình dịch bệnh trên thế giới đã ổn định.
Theo đó, dịch bệnh Covid-19 có thể được chuyển từ bệnh bênh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B tức là tương tự như các bệnh lý chuyên khoa khác. Khi đó, việc chi trả cũng cần thực hiện như những bệnh lý chuyên khoa khác.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, trải qua 3 năm chống dịch, cần rút bài học kinh nghiệm từ những thành công và sai lầm trong quá khứ. Không thể không thấy sự cố gắng của mọi tầng lớp xã hội, chung tay chống dịch để có những việc tưởng như không thể mà đã hoàn thành trong thời gian rất ngắn và rất tốt như việc thành lập Quỹ vaccine, tiêm vaccine diện rộng, thành lập các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19; hàng nghìn bệnh nhân nặng và nguy kịch đã được chữa khỏi…
Bên cạnh đó, qua đại dịch cũng rút ra những bài học kinh nghiệm. Vì vậy, cần khẩn trương chuẩn bị cả cơ sở vật chất, văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn các dịch khác và có thể khả năng Covid-19 bùng phát trở lại.
Đặt câu hỏi, làm cách nào để một hệ thống dày công xây dựng từ nhiều thế hệ đi trước không bị teo tóp và mất hoàn toàn chức năng điều trị?, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu rõ cần nên thử nghiệm mô hình mới, coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của Trung tâm y tế huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ Trung tâm y tế quận, huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường.
Đặc biệt các bệnh mãn tính không lây nhiễm như huyết áp, đái đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; cũng sẽ có buổi khám về ngoại sản, nhi để tư vấn cho người bệnh đi khám chữa đúng địa chỉ… Đồng thời, giao thêm quyền và trách nhiệm cho Trưởng trạm y tế động viên họ để phát triển thế mạnh của mình. Khi đã vận hành trơn tru, có thể tiến lên bước nữa là phối hợp giữa các bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế quận, huyện. Ngoài ra, số hóa ngành y tế bao gồm quản lý sức khỏe, khám chữa bệnh từ xa sẽ là chìa khóa thành công cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - đoàn Lâm Đồng cho biết, thực tiễn công tác chống dịch vừa qua đã bộc lộ những vấn đề như hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu đảm đương công việc. Khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Người dân đến y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu chiếm tỷ lệ rất thấp.
Theo đại biểu đoàn Lâm Đồng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng trực tiếp nhất là chất lượng dịch vụ và lòng tin của người dân; nguyên nhân gián tiếp phải nói đến cơ chế chính sách và đầu tư của Nhà nước. Cơ chế chính sách chưa thực sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng, dẫn tới người dân tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe. Các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng của người dân khó được cải thiện.
Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc nhưng đội ngũ y sĩ, bác sĩ tuyến y tế cơ sở cũng chưa được quan tâm, đãi ngộ thỏa đáng. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, chủ yếu là từ lương, phụ cấp nghề trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Quỳnh Nga - Thu Hường