Dán nhãn độ tuổi cho phim truyền hình Việt có cảnh nóng, bạo lực

05/10/2023 - 02:05
(Bankviet.com) Những năm trở lại đây, phim truyền hình Việt chú trọng khai thác thêm nhiều đề tài gai góc, phản ánh hiện thực xã hội. Thực tế này khiến nhiều người mừng nhưng không ít nỗi lo.
Lưu Diệc Phi đẹp mọi góc cạnh trong bộ phim truyền hình hiện đại đầu tiên của sự nghiệp Vinh danh nghệ sĩ trên "Bức tường danh vọng" của điện ảnh Việt Nam
Dán nhãn độ tuổi cho phim truyền hình Việt có cảnh nóng, bạo lực
Một số phân cảnh bị đánh giá bạo lực, nhạy cảm trong phim “Biệt dược đen”. Ảnh: Chụp màn hình

Cảnh nóng, bạo lực trên phim truyền hình có cần thiết?

Những năm gần đây, phim truyền hình Việt cho thấy sự nỗ lực trong khâu tìm tòi đề tài. Bên cạnh những bộ phim về gia đình vốn đã quá quen thuộc với khán giả thì một số phim hành động, phá án lại được xem là gia vị mới mẻ hơn.

Nằm trong series ăn khách “Cảnh sát hình sự”, bộ phim “Biệt dược đen” gây chú ý với những màn đối đầu căng thẳng giữa đội hình sự và nhóm tội phạm tàn nhẫn, gian trá. Đáng chú ý, phim còn có nhiều trích đoạn lột tả chân thực cảnh ăn chơi trác táng của nhóm công tử như: Tiệc bikini ở hồ bơi, phân cảnh sử dụng ma túy, thác loạn trong bar, xâm hại tình dục... Sau khi lên sóng, “Biệt dược đen” nhận nhiều phản hồi trái chiều của khán giả.

Tương tự, phim “Quỳnh Búp bê” về đề tài mại dâm, buôn bán phụ nữ cũng gây tranh cãi khi có nhiều cảnh bạo lực, sexy... Nhà đài sau đó phải tạm dừng phát sóng rồi trở lại vào khung giờ muộn hơn, kèm theo đó là cảnh báo phim có nhiều cảnh 18+ (dành cho khán giả trên 18 tuổi).

Một số phim khác như: “Anh có phải đàn ông không”, “Mẹ rơm”, “Hành trình công lý”... cũng có nhiều cảnh nóng tạo sự tranh luận, bàn tán của khán giả.

Thực tế, các cảnh nóng, gợi dục hay giết người trong một số phim truyền hình luôn là đề tài tranh cãi không hồi kết. Nhiều khán giả muốn phim giờ vàng cần “sạch sẽ” vì độ tuổi khán giả đa dạng, trong đó có trẻ em. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc những bộ phim tham gia cảnh báo những tệ nạn xã hội là cần thiết. Như quan điểm của ông Trần Trọng Khôi, đồng đạo diễn của “Biệt dược đen” cho rằng, xã hội bên ngoài còn khủng khiếp gấp 10 lần những gì được thể hiện trên phim.

“Nếu sản phẩm của VFC cứ làm an toàn quá, cứ sợ bạo quá, hở quá, thì đến bao giờ mới có một phim Việt Nam chiếu trên Netflix?”, đạo diễn khẳng định.

Khi truyền hình thuộc 12 lĩnh vực mũi nhọn của công nghiệp văn hóa đến năm 2030 (tầm nhìn đến 2045), cả khán giả và các nhà làm phim đều cần cởi trói cho phim ảnh. Tuy nhiên, việc dán nhãn, phân biệt độ tuổi khán giả càng cần được thực hiện sát sao hơn.

Tạo “hàng rào” cho phim truyền hình Việt

Làm phim hành động, nhà sản xuất hiểu rõ nếu mô tả cuộc chiến thiện - ác một cách khô khan, phiến diện dễ khiến tác phẩm đi vào lối mòn. Vì thế, nhiều đạo diễn tập trung mô tả sống động, chân thực cái ác, qua đó nêu bật lên nội dung cũng như thông điệp xã hội mà phim muốn truyền tải.

Tuy nhiên, đa phần những bộ phim ăn khách hiện nay đều được phát sóng vào “khung giờ vàng” dành cho cả gia đình xem chung và con trẻ có thể xem những nội dung không phù hợp với lứa tuổi, gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần, năng lực nhận thức của trẻ.

Tại Việt Nam, Thông tư số 05/2023/TT-BVHTTDL nêu rõ, phim truyền hình phải hiển thị nội dung cảnh báo bằng chữ viết hoặc lời nói chậm nhất trong 3 giây ngay sau khi bắt đầu phổ biến phim. Tuy nhiên, các nhà đài hiện nay vẫn chưa thực sự mặn mà với điều này.

Đa số phim truyền hình có yếu tố nhạy cảm, bạo lực vẫn được phát sóng mà không hề có bất kỳ dòng cảnh báo nào, cũng như chưa dán nhãn, phân biệt đối tượng khán giả xem phim.

Trong khi phim điện ảnh phải trải qua quá trình thẩm định chặt chẽ của Hội đồng duyệt phim, thì phim truyền hình phụ thuộc lớn vào quyết định phát sóng của các đài truyền hình.

Để tạo dựng “hàng rào” giữa phim truyền hình và trẻ em, thiết nghĩ cần sự vào cuộc của cả nhà đài, đơn vị làm phim cũng như trách nhiệm từ phía gia đình.

Tiến sĩ Tùng Hiếu - Giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM bày tỏ quan điểm ngoài nhà đài thì gia đình và nhà làm phim cũng đóng vai trò quan trọng.

Mỗi bậc cha mẹ cần phải hướng dẫn, nâng cao nhận thức của trẻ trong việc tiếp cận những nội dung phim truyền hình phù hợp với lứa tuổi.

laodong.vn

Theo: Báo Công Thương