Đảng đem lại mùa xuân cho dân tộc
Trong tác phẩm Đường Kách Mệnh (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định thực dân Pháp xâm lược và đô hộ đất nước ta khiến “hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa”. Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Kể từ đó, đúng như đánh giá của Người: “Đảng ta đã giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi".
Mùa xuân năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Từ ngày 8/2/1941, Người ở và làm việc tại hang Cốc Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tại đây, Người đã đặt tên cho núi Phia Tào là núi Các Mác và con suối Khuổi Mịn là suối Lê Nin. Trên một chiếc bàn đá, Người đã dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (Bôn-sê-vích) Liên Xô để làm tài liệu hoạt động cho cách mạng Việt Nam. Những điều này thể hiện tư tưởng, mục tiêu, đường lối và niềm tin của Người vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc ta (1946) sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong một bài thơ chúc mừng một tờ báo đăng trong số Tết, Người khẳng định:
Tết này mới thực Tết dân ta,
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.
Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,
Tự do vàng đỏ một rừng hoa.
Muôn nhà chào đón Xuân dân chủ,
Cả nước vui chung phúc Cộng hoà...
(Mừng báo Quốc Gia)
Đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đã đồng lòng đánh giặc với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Mùa xuân năm 1968, quân dân ta tổng tiến công và nổi dậy chống Mỹ - ngụy, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán. Chính sự hy sinh cho độc lập, tự do của các thế hệ đi trước đã vun đắp nên dáng đứng hiên ngang của đất nước ta:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân
(Trích thơ Lê Anh Xuân, Dáng đứng Việt Nam, 3/1968)
Mùa xuân năm 1969, khi kẻ thù còn âm mưu chia cắt lâu dài hai miền Nam Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định về mùa xuân Thống Nhất của Đất nước sẽ là mùa xuân vui nhất của dân tộc ta. Và ước nguyện đó của Người đã được thực hiện trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 khi quân dân ta đã đánh cho “Mỹ cút”, “Ngụy nhào”:
Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”!
(Thơ chúc Tết 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Trong 92 năm qua (1930-2022), Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bởi, Đảng ta xem việc nâng cao đời sống cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng thời với đó là mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp tiến bộ xã hội trên thế giới là trách nhiệm thiêng liêng của mình.
Đất nước thêm xanh tươi với “Tết trồng cây”
Trong bài: “Tết trồng cây”, đăng trên Báo Nhân Dân số 2082 ra ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...”. Đối với Người, trồng cây không chỉ là lợi ích kinh tế trước mắt mà còn là mùa xuân vững bền của đất nước, của dân tộc: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Trong bài nói chuyện với đại biểu thanh niên vào mùa xuân năm 1961 (ngày 5/2/1961) tại vườn hoa Thanh niên Công viên Thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây chăm sóc thật tốt, thì tám triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên con đường nối liền Hà Nội – Mátxcơva thì con đường từ Chủ nghĩa xã hội đến Chủ nghĩa Cộng sản thêm xanh tươi”.
Bà Ketherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam trong lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2010 đã nhận định: “Với tầm nhìn xa rộng của mình, Người đã nhận thấy trước ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tăng cường mối quan hệ hòa hợp giữa con người và thiên nhiên vì sự phát triển bền vững của quốc gia. Người ủng hộ sự cần thiết phải chống thiên tai, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng môi trường sinh thái, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng rừng, làm thủy lợi và cải thiện chất đất. Người khuyến khích nhân dân trồng thật nhiều cây”.
Do đó, hiện nay, cả nước ta đang chung sức, đồng lòng cho kế hoạch trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 để làm cho đất nước Việt Nam “càng ngày càng xuân” như lời dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Nguyễn Văn Toàn