Đầu tư cho giáo dục là kiến tạo tương lai đất nước

22/05/2025 - 16:58
(Bankviet.com) Đầu tư cho giáo dục giúp thế hệ trẻ hôm nay phát triển toàn diện chính là kiến tạo một đất nước vững mạnh trong tương lai.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong hành trình đổi mới giáo dục Ngày 22/5: Quốc hội bàn chính sách mới cho giáo dục mầm non và phổ thông Giáo viên mầm non vùng khó được tăng phụ cấp 80%?

Thuận lòng dân mọi sự thành

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 22/5, đại biểu Quốc hội nghe và bàn thảo Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về các nội dung: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo dự thảo Nghị quyết, Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục, thể hiện tính ưu việt của chế độ và thực thi chính sách thống nhất, công bằng đối với người học; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục. Dự kiến, áp dụng chính sách từ năm học 2025 - 2026.

Đầu tư giáo dục cho thế hệ trẻ là kiến tạo tươnglaiđấtnước
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương, tỉnh Nghệ An tham quan phòng thực hành STEM tại Trường THPT Kim Liên. Ảnh: Thành Cường

Trước khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội, những nội dung chính sách này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo truyền thông, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận cũng như đánh giá cao của đông đảo tầng lớp nhân dân. Bởi lẽ, dù ở những mức độ khác nhau nhưng chi phí cho giáo dục luôn là “khoản cứng” phải chi và là gánh nặng của không ít gia đình, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi.

Rất ủng hộ chính sách này"; "cần miễn học phí để đỡ gánh nặng và tăng dân trí cho các vùng khó khăn"; "chính sách này rất nhân văn và tạo được sự công bằng cho các em học các trường dân lập, nếu được thực hiện ngay và sớm sẽ là một điều rất tuyệt vời cho các em và gia đình"; "chính sách này là đúng đắn vì muốn thu hoạch trái ngọt thì đầu tiên chúng ta phải đầu tư, cây sẽ tốt và cho ra trái ngon”... là những ý kiến đang bùng nổ trên các mạng xã hội cũng như nhiều tờ báo ngày hôm nay.

Nhìn nhận chính sách ở tầm vĩ mô hơn, theo GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam, miễn học phí cho học sinh từ mầm non tới trung học phổ thông không chỉ mang lại niềm vui cho hàng triệu gia đình mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực giáo dục.

Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, quyết định này thể hiện sự nỗ lực lớn của Bộ Chính trị trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.

Riêng về vấn đề này, trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin, để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, ngân sách Nhà nước sẽ phải chi thêm khoảng 8.200 tỷ đồng. Đây là một con số không nhỏ nhưng như đại diện Bộ Tài chính đã nói, ngân sách đảm đương được, cần chi thì phải chi.

Tại nghị trường sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đưa ra những con số rất đáng suy nghĩ khi có gần 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường, tập trung tại những nơi khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non cũng còn nghèo nàn. Trong đó, tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt 84,8%, còn 0,5% phòng học tạm và học nhờ/mượn gần 3.000 phòng. Riêng đối với các trường mầm non công lập tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 76,6%, các địa phương bố trí trên 2.500 phòng học.

Từ thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, việc ban hành nghị quyết sẽ góp phần đảm bảo an sinh, xã hội, tạo cơ hội cho trẻ em mẫu giáo tất cả các vùng miền trong cả nước được tiếp cận với giáo dục mầm non. Dự thảo đặt mục tiêu sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030.

Chính phủ bảo đảm nguồn lực tài chính thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi. Trong đó, ngân sách nhà nước bổ sung tăng thêm ngoài 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo theo Luật Giáo dục. Nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Con đường ngắn thúc đẩy đất nước hùng cường

Trong suốt chiều dài phát triển của đất nước, đã không ít lần giáo dục được khẳng định là “quốc sách hàng đầu”. Nhưng chỉ đến khi tư duy xem giáo dục là đầu tư trở thành kim chỉ nam trong hoạch định chính sách, thì giáo dục mới thực sự trở thành lực đẩy của đổi mới và phát triển.

Đầu tư cho giáo dục là kiến tạo tương lai đất nước
Quốc hội đang bàn thảo chính sách miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông. Ảnh: Chinhphu.vn

Cùng đó, giáo dục cũng được nhìn nhận là con đường ngắn để thúc đẩy đất nước hùng cường, vững mạnh, thực hiện đúng di nguyện của Bác Hồ “sánh vai với cường quốc năm châu”. Trong đó, con đường tất yếu là phát triển dựa trên tri thức, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong bài viết rất sâu sắc “Tương lai cho thế hệ vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hướng tới năm 2045, dấu mốc trọng đại kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta đặt ra mục tiêu chiến lược là phải trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao. Để đạt được điều đó, Việt Nam cần có một thế hệ trẻ không chỉ xuất sắc về trí tuệ mà còn vượt trội về thể chất, giàu bản sắc văn hóa, đủ khả năng cạnh tranh và sánh vai với các cường quốc năm châu, khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Khoảng thời gian từ 2025 - 2045 chỉ còn đúng 20 năm. Những em bé được sinh ra trong quãng thời gian này sẽ là lớp thanh - thiếu niên của thế hệ mới, là chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam phát triển hưng thịnh. Để hướng tới năm 2045 với tầm nhìn về một Việt Nam phát triển toàn diện, việc định hướng phát triển con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, trở thành ưu tiên chiến lược. Trước hết, cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo nhằm phát triển trí tuệ và tri thức”, bài viết của Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ ra, hệ thống giáo dục phải được đổi mới sâu rộng, tập trung phát triển các kỹ năng sáng tạo, STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), ngoại ngữ, kỹ năng số và công nghệ hiện đại. Giáo dục trí tuệ cần đi đôi với giáo dục văn hóa, đạo đức và thẩm mỹ để hình thành những cá nhân toàn diện.

Bài viết của Tổng Bí thư không chỉ là thông điệp chiến lược. Đó còn là một lời nhắc nhở với tất cả các cấp, ngành, đầu tư cho thế hệ trẻ là đầu tư, kiến tạo tương lai đất nước, cần phải thực hiện ngay. Và thực tế, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, dưới định hướng của Đảng, sự đồng thuận của lòng dân, Chính phủ đã vun vén dành ra những nguồn lực không nhỏ đầu tư cả trong ngắn hạn và dài hạn cho giáo dục và đào tạo.

Năm 2045 không còn xa, hy vọng với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, mỗi đứa trẻ bước vào lớp học hôm nay sẽ là người lao động, là kỹ sư, là doanh nhân, là công dân của một Việt Nam tròn 100 năm độc lập, tự do.

Ước tính, tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là trên dưới 30.000 tỷ đồng. Tổng ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí đối với: Trẻ em mầm non 5 tuổi; học sinh tiểu học; học sinh trung học cơ sở từ năm học 2025-2026 là 22.500 tỷ đồng. Như vậy, số ngân sách nhà nước tăng thêm khi thực hiện chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội là 8.200 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi vào năm 2030, cần nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực rất lớn. Trong đó, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổng dự toán kinh phí để thực hiện giai đoạn 2026 - 2030 là 116.314,1 tỷ đồng.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương