Báo cáo mới nhất về thị trường chứng khoán, Chứng khoán BSC đưa ra một số chỉ tiêu nhận diện quá trình hình thành đáy của VN-Index trong thị trường giá giảm, trong đó có dấu hiệu của chỉ số định giá P/E. Từ việc quan sát diễn biến P/E một số thị trường chứng khoán (TTCK) khác khi tạo đáy, BSC thực hiện liên hệ với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, BSC đã lựa chọn một số quốc gia mà TTCK tại các nước này đều có diễn biến giảm điểm trước những thông tin, yếu tố tiêu cực như khủng hoảng tài chính toàn cầu, vĩ mô, chính trị trong nước bất ổn, ảnh hưởng bởi sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 hay chịu hệ quả từ căng thẳng giữa Nga – Ukraine,...
Qua quá trình quan sát, BSC nhận thấy sau khi giảm sâu các TTCK thường có xu hướng hồi phục ngay sau đó. Trước những đà tăng mạnh, chỉ số P/E của các TTCK đều ít nhất nằm dưới mức P/E bình quân 5 năm. Thậm chí trước một số đoạn hồi phục lớn của Thái Lan (giai đoạn 7), Thổ Nhĩ Kỳ (giai đoạn 5), Nga (giai đoạn 2) và TTCK Việt Nam (giai đoạn 4).
P/E của TTCK các nước này nằm ở trong vùng định giá ngoài vùng - 2std mức P/E bình quân 5 năm, nghĩa là P/E đã giảm xuống rất sâu và khả năng P/E có thể giảm thấp hơn nữa là rất nhỏ. Khi P/E rơi xuống ngoài vùng -2std P/E bình quân 5 năm thì thường bật lên rất nhanh, chỉ số chứng khoán của các nước cũng đảo chiều tăng mạnh.
Hiện tại, P/E của Việt Nam cũng đang ở trong vùng định giá ở ngoài vùng -2std 5 năm, khả năng VN-Index có thể hình thành đáy trong thời gian này và hồi phục trở lại là có thể xảy ra.
Bức tranh vĩ mô & thị trường khi các TTCK giảm mạnh (Nguồn: BSC Research) |
Kết luận, BSC nhận định VN-Index đang có những tín hiệu tích cực khi tạo vùng tích lũy trên đáy ngắn hạn và áp sát đường trung bình động SMA 20. Thanh khoản đang bắt đầu cải thiện tích cực theo chiều hướng giảm phiên giảm và tăng trong phiên tăng giá.
Chỉ số cần tiếp tục vượt đáy cũ tại 986 điểm (vùng Fibonacci 61,8% chu kỳ trung hạn) để củng cố xu hướng hồi phục hiện tại. Với phiên chỉ hướng cuối tuần, VN-Index đang có nhiều cơ hội để vượt ngưỡng 1.000 điểm để bước tiếp ngưỡng kháng cự tiếp theo tại 1.050 điểm trong một vài tuần tới.
Tuy vậy, đội ngũ phân tích vẫn nhấn mạnh một số rủi ro của thị trường hiện tại. Đơn cử như xu hướng thắt chặt tiền tệ vẫn còn tiếp diễn, lãi suất điều hành đã được điều chỉnh từ 4% lên 6% trong năm 2022.
Tâm lý thị trường kém tích cực sau những sự kiện vi phạm pháp luật liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản.
Đồng thời, triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu không mấy tích cực khi vẫn đang trong cuộc chiến chống lạm phát. Chính sách tiền tệ thắt chặt của các NHTW trên thế giới năm 2022 ảnh hưởng lớn tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm sau.
Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn gần như đóng cửa nền kinh tế do dịch bệnh Covid; giá dầu vẫn có khả năng duy trì ở mức cao khi căng thẳng Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và một số quốc gia thuộc OPEC bày tỏ quan điểm sẵn sàng cắt giảm sản lượng để bảo vệ giá dầu.
Trong báo cáo trước đó, BSC cũng đưa ra một số dấu hiệu quan trọng để xác định đáy của VN-Index.
Dấu hiệu về chỉ số và số lượng cổ phiếu tăng/giảm giá. VN-Index đã trải qua hơn 7 tháng trong xu hướng giảm điểm khi mất tổng cộng hơn 37%. Dù vậy vẫn thấp hơn mức trung bình gần 40%. Hiện tỉ trọng trung bình số lượng cổ phiếu giảm giá đã đạt gần 50%, tương đương đợt 1 vào 2007 - 2009.
Ở khía cạnh khác, khi thị trường thiết lập được vùng đáy, VN-Index cần 0,8 tháng để đạt được mức tăng trung bình 6,16% trong 5 đợt gần đây nhất.
Dấu hiệu về chỉ số P/E và P/B ngoài vùng -2 độ lệch chuẩn. BSC cho biết, hiện chỉ số P/E và P/B của VN-Index đang trong vùng định giá ở ngoài vùng -2 độ lệch chuẩn mức bình quân 5 năm.
Đồng thời, mức định giá tại ngày 10.11 kết thúc ở mức 9,87 lần, thấp hơn đợt giảm điểm khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2020. Mức định giá hiện nay vẫn cao hơn so với đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và giai đoạn 2009 - 2012.
Dấu hiệu về thanh khoản và dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài. Ngoại trừ đợt sụt giảm do đại dịch Covid năm 2020, sau 1 tháng kể từ mức đáy được thiết lập thì thanh khoản có xu hướng tiếp tục suy giảm trên 40%. Sau 3 tháng, thanh khoản dần cải thiện, tuy nhiên vẫn giảm trung bình khoảng 2%. Đặc biệt đợt 2 và đợt 4 thanh khoản tiếp tục suy giảm lần lượt là 32% và 17% so với giai đoạn hình thành đáy.
Ở góc độ về dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, sau 1 tháng kể từ khi đáy hình thành thì dòng tiền có xu hướng rút ròng và sau 3 tháng trở đi dòng tiền quay trở lại mua ròng.
Dấu hiệu về lãi suất và lạm phát. Trong 5 đợt điều chỉnh giảm trước đây, tỉ lệ lạm phát, lãi suất điều hành có dấu hiệu tăng và tạo đỉnh trong quá trình hình thành vùng đáy. Sau đó, mặt bằng lãi suất điều hành cũng như lãi suất huy động có xu hướng giảm, tạo điều kiện để thị trường chứng khoán bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.
Đội ngũ phân tích BSC cho rằng quan điểm điều hành và định hướng chính sách ở các lĩnh vực trọng yếu trong thời gian tới kết hợp cùng bối cảnh thế giới thuận lợi hơn sẽ là yếu tố quan trọng để VN-Index sớm định hình được vùng đáy và bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới trong tương lai.
Nguyên Nam