Đây là cách BSR kiểm soát rủi ro công nghệ tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

22/07/2025 - 08:42
(Bankviet.com) Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là mắt xích quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, được BSR kiểm soát rủi ro công nghệ rất chặt chẽ.
Chuyển động

Đây là cách BSR kiểm soát rủi ro công nghệ tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Cao Thái 22/07/2025 07:09

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là mắt xích quan trọng trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, được BSR kiểm soát rủi ro công nghệ rất chặt chẽ.

Chủ động kiểm soát rủi ro, chuyển từ tuân thủ sang phòng ngừa

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (HOSE: BSR) vừa tổ chức cuộc họp Hội đồng An toàn lần thứ 2 tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Cuộc họp có sự tham dự của ông Mai Tuấn Đạt – Phó TGĐ BSR, Chủ tịch Hội đồng An toàn, cùng Ban Giám đốc nhà máy, các lãnh đạo phòng ban, kỹ sư an toàn, chuyên gia công nghệ và đại diện nhà thầu O&M đang phối hợp vận hành tại cơ sở.

Cuộc họp được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện công tác đảm bảo an toàn công nghệ, đồng thời thảo luận các chiến lược kiểm soát rủi ro trong điều kiện vận hành nhiều biến động.

loc-dau-dung-quat-1.jpg
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn được BSR kiểm soát rủi ro công nghệ một cách chủ động và chặt chẽ

Phó TGĐ Mai Tuấn Đạt cho biết, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đóng vai trò then chốt trong hệ thống năng lượng quốc gia. Do đó, an toàn công nghệ không chỉ là nhiệm vụ tuân thủ mà phải được tích hợp vào văn hóa vận hành. Việc kiểm soát rủi ro phải chuyển từ phản ứng sang chủ động, từ xử lý tình huống sang hệ thống phòng ngừa.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quang Hưng – Trưởng Ban An toàn, Sức khỏe, Môi trường và Phòng cháy chữa cháy (ATSKMT) cùng đại diện nhà thầu O&M đã trình bày báo cáo đánh giá chi tiết tình trạng thiết bị, các nguy cơ suy giảm toàn vẹn cơ khí, hiện tượng ăn mòn, rò rỉ, và các rủi ro ảnh hưởng đến độ tin cậy của hệ thống. Dựa trên đánh giá này, nhiều giải pháp cải tiến đã được đề xuất nhằm giảm thiểu nguy cơ sự cố và nâng cao hiệu suất bảo trì dự phòng.

Việc kiểm soát rủi ro phải chuyển từ phản ứng sang chủ động, từ xử lý tình huống sang hệ thống phòng ngừa.

Ông Mai Tuấn Đạt, Phó TGĐ BSR

Đặc biệt, BSR đang triển khai một loạt biện pháp kiểm soát rủi ro trọng yếu tại các khu vực thiết bị có mức độ nguy cơ cao:

Kiểm soát nguy cơ ăn mòn và rò rỉ tại mặt bích, ống trao đổi nhiệt, bơm hóa chất, mái bể dầu thô.

Tăng cường giám sát thiết bị như lò hơi, quạt làm mát, thiết bị trao đổi nhiệt bằng dữ liệu vận hành thực tế.

Kiểm soát thông số vận hành như độ pH, tạp chất ăn mòn trong quá trình xử lý dầu thô hỗn hợp.

Chuẩn hóa tiêu chuẩn kỹ thuật, phát hiện và phản ứng sớm với các tình huống kỹ thuật (TE), sự cố cận nguy (Near Miss).

Tích hợp kết quả đánh giá RBI, bài học sự cố, tiêu chuẩn API và nguyên lý thiết kế quốc tế vào hệ thống kiểm soát rủi ro.

Đánh giá định kỳ hiệu lực biện pháp kiểm soát để cải tiến thiết kế và quy trình vận hành.

Số hóa quản lý an toàn: Từ dữ liệu đến hành động thông minh

Song song với giải pháp kỹ thuật, BSR đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý an toàn công nghệ thông qua hệ thống APSM (Automated Process Safety Management). Hệ thống này được tích hợp với dữ liệu vận hành của nhà máy và cho phép cảnh báo tự động khi các giá trị vận hành vượt ngưỡng giới hạn an toàn (SOL-IOW).

Nhờ đó, hệ thống giúp phát hiện sớm xu hướng bất thường của thiết bị, rút ngắn thời gian phản ứng và nâng cao độ chính xác khi ra quyết định. Đây là nền tảng quan trọng giúp BSR chuyển sang mô hình quản trị rủi ro theo hướng thông minh – phòng ngừa – tự động hóa, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp lọc hóa dầu.

loc-dau-dung-quat1.jpg
BSR họp Hội đồng an toàn lần 2, năm 2025

Lãnh đạo BSR cũng xác định, hệ thống số hóa không chỉ là công cụ kỹ thuật mà còn là “trợ lý dữ liệu” để xây dựng môi trường vận hành an toàn, linh hoạt và có khả năng tự học hỏi từ dữ liệu thực tế. Các nội dung cuộc họp sẽ được cụ thể hóa thành chương trình hành động với chỉ số đánh giá hiệu suất an toàn, mức độ tuân thủ và năng lực phản ứng với rủi ro công nghệ.

BSR khẳng định cam kết xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trở thành hình mẫu về quản lý an toàn công nghệ trong ngành lọc hóa dầu Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục lấy con người làm trung tâm và dữ liệu làm công cụ ra quyết định, kết hợp giữa yếu tố kỹ thuật – vận hành – công nghệ số để hiện thực hóa tầm nhìn “nhà máy xanh, hiện đại, bền vững và đóng góp tích cực cho an ninh năng lượng quốc gia”.

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán