Đẩy mạnh thanh toán thẻ: Giải pháp tạo bước tiến mạnh mẽ từ trong nước đến quốc tế

29/09/2023 - 17:45
(Bankviet.com) Việc đẩy mạnh phát triển thị trường thẻ trong tương lai là một trong các mục tiêu, giải pháp nhằm góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam, hướng tới thanh toán xuyên biên giới. Để thực hiện mục tiêu này, cần những giải pháp đồng bộ và sự chung tay hợp tác của rất nhiều đơn vị liên quan.
thanh-toan-the.png

Phát triển thẻ nội địa có thể rút tiền tại ATM nước ngoài

Thực hiện định hướng của Ngân hàng Nhà nước về việc phát triển thẻ nội địa có thể rút tiền tại ATM ở nước ngoài, bà Phan Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm thẻ BIDV cho biết, thẻ của BIDV Smart hiện nay có thể thanh toán ở Hàn Quốc, Lào, hay tại những điểm thanh toán của NAPAS, cũng như có thể rút tiền tại ATM hai nước này. Đây cũng là xu hướng rất tiện lợi cho người dân và các ngân hàng Việt Nam nói chung, BIDV nói riêng định hướng sẽ phát triển mạnh xu hướng này.

bidv.jpg
Bà Phan Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm thẻ BIDV

"Nhược điểm của các thẻ này chi phí cao hơn so với thẻ NAPAS. Trong thời gian tới, NAPAS có thể hỗ trợ, kết nối với các ngân hàng để đưa thẻ nội địa ra thị trường quốc tế với chi phí rẻ hơn", Giám đốc Trung tâm thẻ BIDV đề xuất.

Về xu hướng thanh toán và kế hoạch cùng các ngân hàng Việt thúc đẩy thanh toán ở nước ngoài thông qua thẻ nội địa, bà Winnie Wong - Giám đốc Masercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho rằng sự hợp tác của Mastercard với Việt Nam là để thúc đẩy sự chấp nhận và việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa Việt Nam tới thế giới. Như sự hợp tác giữa NAPAS và Mastercard luôn nhấn mạnh tới sự an toàn, tiện dụng của thẻ tín dụng nội địa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thời gian tới, Mastercard mong muốn có thêm nhiều hợp tác sâu rộng hơn nữa với Napas, với các ngân hàng, tổ chức tài chính.

mastercard.jpg
Bà Winnie Wong - Giám đốc Masercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào

Về giải pháp để đáp ứng xu hướng thanh toán không chỉ trên thị trường trong nước mà cả quốc tế, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS chia sẻ: Với vai trò cung cấp dịch vụ và hạ tầng vận hành thanh toán quốc gia, NAPAS liên tục đồng bộ các giải pháp, đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng kĩ thuật để đảm bảo xử lý thông suốt tốc độ tăng trưởng vừa qua.

napas.jpg
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS

Theo ông Nguyễn Quang Minh, NAPAS đã xây dựng hạ tầng số hóa, bộ sản phẩm số hóa sẵn sàng đón xu hướng cho tương lai. Với ngân hàng thành viên, NAPAS tổ chức hội thảo hằng năm để bàn về các giải pháp nâng cao dịch vụ thanh toán và cung cấp thông tin để các ngân hàng thành viên có kế hoạch chuẩn bị cơ sở hạ tầng.

"Từ ngày đầu khi triển khai dịch vụ, NAPAS có quan điểm là luôn triển khai dịch vụ theo hướng có phần hạ tầng dùng chung, qua đó việc đầu tư, chỉnh sửa từ phía các ngân hàng là tối thiểu. Hầu hết thay đổi điều chỉnh khi triển khai đều từ phía NAPAS; các ngân hàng chỉ việc thông qua kết nối, thay đổi các tham số của mình trên cơ sở cung cấp hạ tầng công nghệ từ phía NAPAS", Tổng Giám đốc NAPAS cho biết thêm.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại khu vực nông thôn

Trong khi các ngân hàng khác đẩy mạnh phát triển thẻ ở khu vực thành thị thì bà Phan Thị Thanh Hà, Quyền Giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank cho biết, trong suốt những năm qua, Agribank đã chú trọng phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp với quy mô, nhu cầu, đặc điểm, khả năng tiếp cận của đối tượng khách hàng khu vực nông thôn, qua đó, đã đạt được kết quả tích cực góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng các dịch vụ thanh toán thuận tiện, văn minh, hiện đại của ngân hàng góp phần cho người dân ở mọi miền Tổ quốc có một cuộc sống đơn giản hơn, dễ dàng hơn. Đặc biệt Agribank luôn tích cực nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dịch vụ, chức năng tiện ích mới trong thanh toán sử dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng như: mở tài khoản trực tuyến eKYC, thẻ phi vật lý, thẻ chip không tiếp xúc, mã PIN điện tử ePIN, thanh toán vé xe buýt VinBus, chuyển tiền liên ngân hàng, rút tiền tại ATM bằng mã VietQR,...

Theo bà Phan Thị Thanh Hà, Đề án phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Agribank ra đời trong bối cảnh “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đã thể hiện vai trò và ý nghĩa kinh tế - xã hội hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh chủ trương TTKDTM. Đồng thời, phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ và Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước gồm đơn giản hóa các khoản tiêu dùng nhỏ lẻ, đồng thời gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của các cá nhân, hộ gia đình cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản.

agribank.jpg
Bà Phan Thị Thanh Hà, Quyền Giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank

Quyền Giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank khẳng định, Đề án nhằm hướng đến những đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính, như: người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác... tạo điều kiện giúp họ có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý.

"Bên cạnh đó, đề án góp phần xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ; Mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các đơn vị cung cấp dịch vụ công, như: Điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí... và các đơn vị, cá nhân cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản; đơn giản hóa tối đa thủ tục cho vay đối với các khoản cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn để góp phần tham gia đấu tranh, hạn chế “tín dụng đen"", bà Phan Thị Thanh Hà cho biết thêm.

Để thúc đẩy TTKDTM tại khu vực nông thôn, bà Phan Thị Thanh Hà đã chỉ ra 4 giải pháp mà Agribank áp dụng, bao gồm:

Một là, phối hợp với địa phương, các ban ngành liên quan đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen và nhận thức của người dân trong việc sử dụng tiền mặt bằng các phương thức thanh toán qua ngân hàng, giúp người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán qua ngân hàng là nhanh chóng, thuận lợi và rất an toàn, từ đó tạo tâm lý yên tâm cho người dân khi sử dụng dịch vụ thanh toán này thay vì sử dụng tiền mặt.

Hai là, đầu tư hiện đại hoá công nghệ và các hệ thống thanh toán. Một hệ thống thanh toán được tổ chức tốt hơn, an toàn hơn, ít rủi ro hơn thì không chỉ làm tăng doanh số thanh toán, làm cho dịch vụ thanh toán ngày càng trở nên hoàn thiện hơn trong mắt của người tiêu dùng mà còn góp phần hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của các dịch vụ khác phát triển, qua đó tiết giảm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh.

Ba là, xây dựng khung pháp lý và các biện pháp trấn áp có hiệu quả vấn đề liên quan đến gian lận trong hoạt động thanh toán. Đặc biệt là các hình thức gian lận phát sinh liên quan đến tài khoản thẻ và thẻ giả, các phương thức thanh toán giả mạo ngân hàng,...

Bốn là, các Bộ ngành, NHNN, tạo điều kiện thuận lợi cho Agribank – Ngân hàng thương mại chủ lực của thị trường tài chính nông thôn trong quá trình phát triển sản phẩm dịch vụ, kết nối hợp tác với các đơn vị bảo hiểm xã hội, chi trả ngân sách nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công… để triển khai các hình thức thanh toán hóa đơn, thanh toán điện tử dịch vụ công, chi trả trợ cấp xã hội… cũng như cung cấp các dịch vụ ngân hàng số tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

6 giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường thẻ trong tương lai

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, để phát triển TTKDTM nói chung, đẩy mạnh thị trường thẻ nói riêng trong thời gian tới, NHNN xác định 6 nhóm giải pháp, bao gồm:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm khuyến khích phát triển các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, hạn chế sử dụng tiền mặt và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực thanh toán.

vu-truong-vu-thanh-toan-nhnn.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN

Thứ hai, chỉ đạo nâng cấp, phát triển Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến.

Thứ ba, tiếp tục ứng dụng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), ví điện tử.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công, nhất là trong công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước, trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, nhất là thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, thanh toán xuyên biên giới.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn nâng cao nhận thức về hoạt động TTKDTM, trong đó có bảo vệ, quyền lợi ích hợp pháp của người dử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM, đồng thời vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng tội phạm lợi dụng hoạt động TTKDTM vào các hoạt động bất hợp pháp.

Từ những kết quả đã đạt được và các định hướng giải pháp với lộ trình và kế hoạch cụ thể, hứa hẹn ngành Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục có bước tiến mạnh mẽ và thêm nhiều thành tựu, kết quả tốt đẹp hơn về TTKDTM nói chung, thanh toán thẻ nói riêng.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ