Để kinh tế số - xã hội số thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế

08/06/2024 - 00:25
(Bankviet.com) Dù có nhiều cơ hội và trở thành xu hướng phát triển hiện nay, song hoạt động kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.
Kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025: Thách thức không nhỏ! Việt Nam đang dần tạo được lợi thế về chuyển đổi số - chuyển đổi xanh Sẽ tổng kết mô hình thành công trong chuyển đổi số để phổ biến, nhân rộng

Thông tin tại Hội thảo khoa học “Phát triển Kinh tế số và xã hội số: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam”, PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương - cho biết, trong những năm gần đây, kinh tế số và xã hội số đã trở thành xu hướng phát triển chủ đạo trên toàn cầu. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự bùng nổ của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data), đang thay đổi mạnh mẽ cách thức doanh nghiệp vận hành và tương tác với khách hàng cũng như cách thức quản lý của Nhà nước. Các quốc gia cũng như doanh nghiệp trên thế giới đang nỗ lực thích ứng, khai thác tối đa tiềm năng công nghệ số để nâng cao hiệu quả, tạo ra nhiều giá trị mới và hướng tới sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Để kinh tế số - xã hội số thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế
PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Phát triển Kinh tế số và xã hội số: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam”

PGS.TS. Phạm Thu Hương - nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, trường Đại học Ngoại thương đã không ngừng nỗ lực để tích hợp các yếu tố của kinh tế số, xã hội số vào chương trình đào tạo và nghiên cứu. Cụ thể, đối với các chương trình đào tạo, nhà trường đã xây dựng và phát triển một số môn học mới liên quan đến kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, big data; xây dựng các phòng học thực hành, tăng cường kết nối với doanh nghiệp/tổ chức trong quá trình giảng dạy. Đối với công tác nghiên cứu khoa học, nhà trường thúc đẩy mạnh mẽ các đề tài nghiên cứu về chuyển đổi số, tác động của công nghệ số đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Thêm vào đó, nhà trường luôn khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia vào các dự án đổi mới sáng tạo, các chương trình khởi nghiệp.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử và kinh tế số, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, các chính sách phát triển kinh tế số và thương mại điện tử tại Việt Nam đã tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, bao gồm: Việc hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng số, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong phát triển kinh tế số và thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay là do thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai các chính sách; vấn đề niềm tin của người tiêu dùng vào bảo mật thông tin; hạ tầng công nghệ chưa đồng đều; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và khó khăn trong quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới.

Để kinh tế số - xã hội số thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Phát triển Kinh tế số và xã hội số: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam”

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho rằng, vai trò quản lý nhà nước về thương mại điện tử và kinh tế số đã được thể hiện qua việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản, chính sách về thương mại điện tử như: tạo ra khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thuận lợi cho sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế số; công tác thực thi pháp luật về thương mại điện tử; tăng cường hợp tác quốc tế trong thương mại điện tử thông qua việc tham gia vào các tổ chức quốc tế, ký kết các hiệp định thương mại tự do và hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác để học hỏi và áp dụng các chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoạt động phát triển thương mại điện tử và kinh tế số nhằm triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, các nền tảng công nghệ số hỗ trợ cho các tổ chức doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nhanh chóng, bền vững.

Trong đó, đối với hoạt động phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền chia sẻ, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy liên kết vùng, Bộ Công Thương với đầu mối là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tổ chức các Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại: Cần Thơ và Đồng bằng Sông Cửu Long, tại Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc và tới đây sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị tại các vùng kinh tế khác. Chuỗi hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ góp phần giúp các địa phương kết nối, chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của nội vùng, liên vùng và của cả nước.

Để kinh tế số - xã hội số thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế
Các diễn giả tham dự Hội thảo khoa học “Phát triển Kinh tế số và xã hội số: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam” đã đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm đưa hoạt động kinh tế số, xã hội số trở thành động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam

Nhấn mạnh vai trò quản lý nhà nước trong thương mại điện tử và kinh tế số, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu trong công tác thực thi pháp luật về thương mại điện tử. Theo Phó Cục trưởng, công tác giám sát hoạt động thương mại điện tử tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số quản lý, vận hành đã đạt dịch vụ công mức 4. Cùng với đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang thực hiện kết nối dữ liệu với Tổng cục Thuế nhằm tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đối với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, do Bộ Công an chủ trì, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai.

“Nhà nước có chính sách và biện pháp thích hợp nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển minh bạch, bền vững thông qua Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia” - Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Bộ Công Thương đang thực hiện sơ kết Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng Dự thảo Kế hoạch giai đoạn tiếp theo. Dự thảo Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 đang được triển khai, xây dựng hướng đến mục tiêu: Hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh; phát triển thương mại điện tử theo liên kết vùng; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển thương mại điện tử xanh, tuần hoàn, bền vững; phát triển xã hội số trong thương mại điện tử.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương