Doanh nghiệp ngành gỗ cần trang bị “phao cứu sinh” trước "làn sóng" điều tra phòng vệ thương mại Doanh nghiệp cần nâng mức độ quan tâm hơn đối với phòng vệ thương mại |
Thôn tin tại kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ về Hợp tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học và Công nghệ mới đây do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đồng chủ trì, hai bên đã tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện quan hệ song phương kể từ kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 17 (tháng 8/2020) và việc triển khai Kế hoạch Hành động Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2021-2023.
Tại kỳ họp lần này, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và các cấp giữa hai nước; duy trì triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, đồng thời sớm đưa vào hoạt động cơ chế Đối thoại về Ngoại giao Kinh tế cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Đồng thời, hai bên Việt Nam - Ấn Độ xúc tiến xây dựng Chương trình Hành động cho giai đoạn 2024 - 2026; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh theo tinh thần Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ Đối tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đến năm 2030; thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Pháp luật và Tư pháp Ấn Độ.
Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ, hai Bộ trưởng đã ký biên bản thoả thuận của kỳ họp và nhất trí tổ chức kỳ họp lần thứ 19 Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học và Công nghệ tại Ấn Độ vào thời điểm phù hợp - Ảnh: BNG |
Hai bên Việt Nam - Ấn Độ nhận thấy hợp tác kinh tế - thương mại phục hồi và phát triển tốt sau đại dịch, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đã vượt mức 15 tỉ USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra; nhất trí phối hợp chặt chẽ tạo hành lang thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại sớm đạt mốc 20 tỉ USD.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Ấn Độ xem xét giảm áp dụng các rào cản thương mại và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam; tạo thuận lợi thủ tục cho việc nhập khẩu thép của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ ủng hộ việc hai bên sớm gia hạn Bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế - thương mại giai đoạn 2018-2023; nhất trí triển khai hiệu quả Thỏa thuận khung về hợp tác nông nghiệp, trong đó cho phép một số sản phẩm hoa quả và các sản phẩm chế biến của hai nước được xuất sang thị trường của nhau; đề nghị hai nước sớm áp dụng các hình thức thanh toán trực tuyến.
Về hợp tác phát triển và giáo dục - đào tạo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhất trí tiếp tục hỗ trợ các Dự án tác động nhanh (QIPs) cũng như các suất học bổng hàng năm theo Chương trình Hợp tác kỹ thuật và kinh tế Ấn Độ (ITEC) và Chương trình trao đổi văn hóa và Chương trình học bổng văn hóa chung (CEP/GCSS).
Nhân dịp này, hai Bộ trưởng Việt Nam - Ấn Độ nhất trí tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ và thông tin, theo đó sớm triển khai họp lần thứ 4 Nhóm công tác chung về công nghệ thông tin và đàm phán và ký Hiệp định Đối tác số Việt Nam - Ấn Độ.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao việc Ấn Độ hỗ trợ trùng tu, bảo tồn, tôn tạo Di sản Văn hóa thế giới khu di tích Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, nhất trí tăng cường trao đổi đoàn giao lưu về nghệ thuật, thể thao, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch hai nước đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch, văn hóa, ẩm thực, đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm du lịch…
Hai Bộ trưởng nhất trí xem xét việc gia tăng các chuyến bay thẳng giữa hai nước nhằm tăng cường hợp tác du lịch, kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân.
Hà Hương