Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng
Sáng 10/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm |
Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, toàn quốc đã xảy ra hơn 379 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 124 nghìn người, bị thương hơn 367 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.
Trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội.
Tình trạng vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp.
Ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
"Tình hình nêu trên cho thấy, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm" - Bộ trưởng Bộ Công an cho hay.
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy.
“Việc xây dựng, ban hành Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế” - ông Tô Lâm nhấn mạnh.
Xe cơ giới, xe máy tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình?
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới |
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), ông Lê Tấn Tới cho hay, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (Khoản 1). Một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.
Có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông…
Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu cho phù hợp; tiếp tục rà soát, sắp xếp các quy định cấm liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ để bảo đảm tính thống nhất, logic, tránh trùng lặp với các quy định khác trong dự thảo Luật hoặc trùng lặp với quy định của các luật chuyên ngành khác; nghiên cứu, sắp xếp các hành vi bị nghiêm cấm theo nhóm chủ thể, nội dung cho dễ theo dõi.
Về phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Chương III), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định” vì cho rằng việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rộng và khó bảo đảm tính khả thi.
Ngoài ra, về đấu giá biển số xe ô tô: Một số ý kiến cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, tuy thời gian thực hiện thí điểm chưa nhiều nhưng bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này; do đó, đề nghị sớm được quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Một số ý kiến khác đề nghị phải thực hiện đủ thời gian thí điểm để có đầy đủ cơ sở đánh giá, tổng kết và báo cáo, đề xuất Quốc hội hoàn thiện pháp luật tại kỳ họp đầu năm 2026.
Một số ý kiến cũng đề nghị rà soát, bổ sung các quy định về: Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm tại Điều 42; sử dụng xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích để vận chuyển hàng hoá trên đường bộ tại Điểm a Khoản 3 Điều 47; quy định cụ thể về niên hạn sử dụng xe cơ giới theo nguyên tắc tính về thời gian sử dụng hoặc đến số lượng km nhất định (Điều 37).
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp. “Đối với ý kiến về luật hóa nội dung đấu giá biển số xe ô tô, đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội để các vị đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định” - ông Lê Tấn Tới nói.
Quỳnh Nga