Đề xuất bãi bỏ 6 Thông tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng do Bộ Tài chính ban hành

18/01/2024 - 19:32
(Bankviet.com) Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư bãi bỏ một số Thông tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
tim-hieu-nganh-tai-chinh-ngan-hang.jpg
Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ 6 Thông tư trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng do Bộ ban hành (ảnh minh họa)

Dự thảo đề xuất bãi bỏ toàn bộ 6 văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

Thứ nhất, Thông tư số 120/2016/TT-BTC ngày 14/7/2016 của Bộ Tài chính về Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên xổ số điện toán Việt Nam.

Thứ hai, Thông tư số 15/2018/TT-BTC ngày 07/02/2018 quy định về chi phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

Thứ ba, Thông tư số 127/2012/TT-BTC ngày 8/8/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình thủ tục công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp.

Thứ tư, Thông tư số 205/2014/TT-BTC ngày 24/12/2014 ngày 24/12/2014 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 127/2012/TT-BTC ngày 8/8/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình thủ tục công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp.

Thứ năm, Thông tư số 26/2012/TT-BTC ngày 23/2/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay dự án đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ sáu, Thông tư số 76/2015/TT-BTC ngày 19/05/2015 của Bộ Tài chính quy định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư.

Đối với chi phí hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-BTC ngày 07/02/2018 của Bộ Tài chính quy định về chi phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, áp dụng như các chi phí đối với hoạt động bảo lãnh trái phiếu Chính phủ.

Cùng với Thông tư này, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận từ thị trường. Theo dự thảo, cách tiếp cận từ thị trường xác định giá trị của tài sản thẩm định giá thông qua việc so sánh tài sản thẩm định giá với các tài sản so sánh có các thông tin về giao dịch trên thị trường. Tùy theo loại tài sản, cách tiếp cận từ thị trường có thể được cụ thể hóa thành các phương pháp gồm phương pháp so sánh, phương pháp tỷ số bình quân và phương pháp giá giao dịch.

Đối với phương pháp tỷ số bình quân và phương pháp giá giao dịch, chỉ áp dụng đối với tài sản thẩm định giá là doanh nghiệp và thực hiện theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về thẩm định giá doanh nghiệp. Cách tiếp cận từ thị trường và các phương pháp thuộc cách tiếp cận này được sử dụng để thẩm định giá tài sản khi tìm kiếm được ít nhất 3 tài sản so sánh từ các tổ chức, cá nhân khác nhau có giao dịch gần thời điểm thẩm định giá và địa điểm thẩm định giá.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN. Đồng thời, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

M.Đ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ