Đề xuất gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn cho Vietnam Airlines

26/06/2024 - 03:49
(Bankviet.com) Gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp.
Vietnam Airlines ưu tiên hàng đầu cho trải nghiệm dịch vụ của hành khách Doanh nghiệp mong muốn có thêm gói tín dụng mới và được giảm thêm lãi suất Vietnam Airlines tăng gấp đôi chuyến bay Hà Nội - Đồng Hới

Chiều 25/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, trong giai đoạn 2020-2022, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã triển khai và hoàn thành Gói hỗ trợ về thanh khoản quy mô 12.000 tỷ đồng (vay tái cấp vốn với quy mô 4.000 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu tăng vốn 8.000 tỷ đồng), đạt được các kết quả tích cực.

Đơn cử, Vietnam Airlines thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán và nguy cơ phá sản trong năm 2021; đảm bảo vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines năm 2021 không bị âm; giúp Vietnam Airlines đàm phán giãn hoãn thanh toán và cắt giảm chi phí...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đã phát sinh nhiều vấn đề mới và nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế nên Vietnam Airlines không thể trả nợ khoản vay tái cấp vốn đúng hạn.

Cụ thể, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và tình hình thế giới, trong nước phát sinh nhiều vấn đề mới đã tác động đến Vietnam Airlines nặng nề hơn so với các dự báo tại thời điểm xây dựng gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines để bổ sung dòng tiền và thu nhập gặp nhiều vướng mắc pháp lý, cần nhiều thời gian để các Bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để tìm phương án đề xuất lên các cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội...).

Các chỉ số tài chính rơi vào trạng thái xấu, hạn chế việc tiếp cận các nguồn lực kinh tế từ xã hội nhằm tăng cường năng lực tài chính. Bên cạnh đó, tình trạng âm vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines kéo dài sẽ khiến cho số vốn đầu tư gặp khó khăn, dẫn đến rất khó để Vietnam Airlines triển khai được các dự án đầu tư trọng điểm, trong đó có Dự án đầu tư tại Cảng Hàng không quốc Long Thành, Dự án 50 tàu bay thân hẹp. Đây là các dự án rất quan trọng của Vietnam Airlines để đảm bảo thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Về sự cần thiết đề xuất phương án gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ, theo Nghị quyết của Quốc hội, khoản vay tái cấp vốn đã được Vietnam Airlines triển khai vào năm 2021 và từ tháng 7-12/2024 Vietnam Airlines phải trả khoản vay này.

Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh khó lường và tác động đến Vietnam Airlines nặng nề hơn so với các dự báo tại thời điểm xây dựng Nghị quyết Quốc hội. Thêm vào đó, các giải pháp tái cơ cấu của Vietnam Airlines đến nay chưa hoàn thành do gặp nhiều vướng mắc pháp lý.

Vì vậy, Vietnam Airlines cần được các cấp thẩm quyền cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn để hỗ trợ Vietnam Airlines có thời gian triển khai tái cơ cấu thành công, giúp Vietnam Airlines tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán trong năm 2024, không xảy ra các hệ lụy nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, Hãng hàng không quốc gia, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, duy trì việc làm cho hàng nghìn người lao động, tạo hiệu ứng kích cầu sử dụng lao động trong các ngành khác như du lịch, dịch vụ… góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Trường hợp Vietnam Airlines không được gia hạn khoản vay tái cấp vốn, Vietnam Airlines sẽ phải đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán từ tháng 7/2024, có nguy cơ không thực hiện được các cam kết của Vietnam Airlines với các bên cho thuê tàu bay, các đối tác cung cấp dịch vụ dẫn đến Vietnam Airlines có thể bị kiện, giảm uy tín với các đối tác, phát sinh các chi phí tài chính do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14); lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm để giảm áp lực dòng tiền, bảo đảm thanh khoản, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các giải pháp tái cơ cấu.

"3 ngân hàng MSB, SeaBankSHB đều phản hồi tích cực về việc tiếp tục cho Vietnam Airlines vay tái cấp vốn trong trường hợp các cấp thẩm quyền chấp thuận. Vietnam Airlines cam kết đảm bảo có đủ tài sản để thế chấp các ngân hàng trong giai đoạn gia hạn khoản vay tái cấp vốn" - Phó Thủ tướng cho hay.

Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội: Thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội, thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (bao gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội); lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.

Việc gia hạn dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng được thực hiện sau khi các tổ chức tín dụng gia hạn thời hạn trả nợ đối với khoản vay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.

Ủy ban Kinh tế thấy rằng, tình thế đối với Vietnam Airlines hiện nay là cấp thiết và cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của Vietnam Airlines - là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này.

"Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135" - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Trong tình thế cấp thiết, cấp bách như Chính phủ báo cáo, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể tháo gỡ ngay khó khăn trước mắt cho Vietnam Airlines. Xét về quan hệ tín dụng, Vietnam Airlines vẫn phải bảo đảm điều kiện để được vay vốn tại tổ chức tín dụng và thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Do vậy, phương án này giúp cân đối dòng tiền cũng như hỗ trợ về thời gian để Vietnam Airlines cơ cấu lại hoạt động một cách toàn diện.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương