Đề xuất mở rộng đối tượng tham gia và giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn 15 năm

30/05/2024 - 20:34
(Bankviet.com) Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 25 năm xuống 15 năm.
mo-rong-doi-tuong-dong-bhxh.jpg
Đại biểu Quốc hội: Lao động xe công nghệ là đối tượng cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tinh thần của Nghị quyết 28 (ảnh minh họa)

Cần đảm bảo công bằng khi mở rộng đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Phát biểu tại phiên thảo luận chiều ngày 27/5, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nhận định, dự thảo Luật đã mở rộng thêm một số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương,...

Qua nghiên cứu, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho biết, quy định như trong dự thảo Luật thì tác động tích cực là khi mở rộng các đối tượng sẽ gia tăng người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, tăng quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đối với lợi ích của các đối tượng chịu tác động, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ chỉ đưa ra nhận định rất định tính, không có số liệu chứng minh nhóm đối tượng này có nhu cầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

dai-bieu-bui-thi-quynh-tho.jpg
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh

Đại biểu đến từ đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi dự thảo Luật, đảm bảo công bằng giữa những đối tượng này với các đối tượng đóng bảo hiểm xã hội khác, không vì mục tiêu gia tăng số người nộp bảo hiểm xã hội mà bỏ qua nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng. Cùng với đó, cần nghiên cứu, cân nhắc thêm các đối tượng trên nên tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện.

Đối với người lao động là người làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho biết, thực tiễn thời gian qua, nhiều cơ quan bảo hiểm xã hội tại các địa phương phản ánh rất khó thu bảo hiểm xã hội của các đối tượng này.

“Những đối tượng này có thể xảy ra tình trạng sau thời gian 3 đến 5 năm đi lao động ở nước ngoài muốn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, hưu trí và tử tuất phải đóng thêm 12 - 15 năm nữa nếu không muốn bị mất số tiền đã đóng. Do đó, cần có cơ chế vận dụng linh hoạt về chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nước trong trường hợp thu nhập không ổn định và liên tục, bảo đảm thu đúng, thu đủ nhưng cũng đáp ứng được quyền lợi cho người lao động”, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ phân tích.

Quan tâm đến quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã bổ sung trường hợp được xác định là người lao động nhưng hai bên không giao kết hợp đồng lao động nhưng có nội dung thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện bằng việc làm có trả công, tiền lương và có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, quy định tại a khoản 1 của Điều 3 của dự thảo luật, đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu đánh giá về bản chất là phù hợp với quy định về hợp đồng lao động được quy định tại Bộ Luật Lao động (Điều 13). Tuy nhiên xét về hình thức, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản đối với loại hợp đồng có thời hạn từ 1 tháng trở lên và đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định của Bộ Luật Lao động.

tran-kim-yen.jpg
Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Theo đại biểu Trần Kim Yến, nếu đã xác định là tồn tại quan hệ lao động và hai bên chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật lao động, phải có sự điều chỉnh kịp thời. Việc thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm cần phải được xác định và căn cứ trên hợp đồng lao động hợp pháp. Có như vậy, công tác kiểm tra, giám sát mới có thể thực hiện tốt.

“Nhiều ý kiến đánh giá, quy định này sẽ mở đường và gián tiếp thừa nhận các loại hình hợp đồng có tên gọi khác này, tuy nhiên trên thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng cách này để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật lao động. Vì vậy, nếu phát hiện ra loại hình hợp đồng lao động này cần thiết phải điều chỉnh về hình thức và nội dung, từ đó sẽ xác định rõ nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm.

Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu đánh giá bổ sung một đối tượng cần được mở rộng trong quy định của Luật Bảo hiểm xã hội đó là lao động không chọn thời gian, ví dụ như là lao động xe công nghệ. Nếu chiếu theo điều 13 của Bộ Luật Lao động, đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động, nên cần bổ sung đây là đối tượng cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tinh thần của Nghị quyết 28”, đại biểu của đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phân tích.

Đề nghị giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn 15 năm

Về giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 25 năm xuống 15 năm quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật, đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang khẳng định, chính sách này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển, tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

vuong-thi-huong.jpg
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Tuy nhiên, đại biểu Vương Thị Hương, do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp vào mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp, lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã không còn quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất như quy định tại Khoản 5, Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

“Đây là điều mà nhiều người lao động đang rất băn khoăn và lo ngại có thể dẫn đến xu hướng nghèo hóa của một bộ phận người dân trong tương lai. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này có thể đảm bảo cuộc sống”, đại biểu Vương Thị Hương nói thêm.

vo-manh-son.jpg
Đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Quan tâm đến quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn 15 năm, đại biểu Võ Mạnh Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhận định nếu phương án này được thông qua sẽ có một nhóm người lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn, tức là khoảng 45 - 47 tuổi mới tham gia hoặc những người tham gia không liên tục nhưng khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn chưa tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.

Tuy vậy, định kỳ mức lương hưu sẽ được nhà nước điều chỉnh đồng thời trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội mua bảo hiểm y tế. Do vậy, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, cho dù mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn những người có thời gian đóng dài nhưng với mức lương hàng tháng ổn định, định kỳ được nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương sẽ được Quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già cho người lao động.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ