Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Minh bạch để Việt Nam không lọt ‘sách Đen FATF’ Đề xuất viên chức đại học được tham gia quản lý doanh nghiệp |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp ngày 20/5, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) đã đưa ra một đề xuất hạ độ tuổi cá nhân được phép góp vốn và thành lập doanh nghiệp từ 18 tuổi xuống 16 tuổi.
![]() |
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình |
Đại biểu Phan Đức Hiếu lập luận rằng theo hệ thống pháp luật hiện hành, trẻ em là người dưới 16 tuổi, như vậy người từ 16 tuổi trở lên không còn bị coi là trẻ em. Thứ hai, Bộ luật Lao động cho phép người từ đủ 15 tuổi trở lên được tham gia lao động hợp pháp. Đồng thời, khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự cũng quy định: “Người từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự trừ quyền sử dụng đất và tài sản phải đăng ký”. Điều đó có nghĩa là người 16 tuổi hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật khi thực hiện các hành vi dân sự độc lập, trong đó có việc sử dụng tiền cá nhân để đầu tư, góp vốn.
Từ các căn cứ pháp lý trên, đại biểu Phan Đức Hiếu khẳng định, việc cấm người từ 16 tuổi thành lập doanh nghiệp là không còn phù hợp, đi ngược với các quyền dân sự đã được thừa nhận. Ông cho rằng nếu cá nhân từ 16 tuổi có tiền tiết kiệm, tài sản hợp pháp và có ý tưởng khởi nghiệp thì hoàn toàn có thể góp vốn và thành lập doanh nghiệp như mở quán trà sữa, cửa hàng kinh doanh nhỏ. Việc không cho phép họ đứng tên thành lập là tước đoạt quyền hợp pháp, đồng thời không phù hợp với xu hướng khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ.
Ông Hiếu nhấn mạnh, việc luật chỉ cho phép người từ 18 tuổi mới được thành lập doanh nghiệp đang tạo ra rào cản không cần thiết, trong khi pháp luật đã cho phép người từ 15 tuổi có quyền lao động và thực hiện giao dịch dân sự. “Tại sao chúng ta cho các em đi làm thuê, nhận lương, ký hợp đồng lao động nhưng lại không cho họ dùng tiền của chính mình để thành lập một tổ chức kinh tế hợp pháp?” – ông chất vấn.
Ông Hiếu cũng cho rằng, việc hạ độ tuổi thành lập doanh nghiệp xuống 16 sẽ tạo ra một bước tiến lớn trong việc mở rộng quyền kinh tế công dân, phù hợp với tư duy hiện đại và hội nhập quốc tế, đồng thời không trái với các quy định cốt lõi của hệ thống pháp luật hiện hành.
Góp vốn được nhưng điều hành doanh nghiệp cần cẩn trọng
Tranh luận lại với quan điểm nêu trên, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) cho rằng đây là một đề xuất cần được cân nhắc thận trọng. Theo ông, Luật Doanh nghiệp hiện hành đã có sự phân biệt rõ giữa ba quyền: quyền thành lập doanh nghiệp, quyền quản trị doanh nghiệp và quyền góp vốn. Trong đó, quyền góp vốn hiện không bị giới hạn độ tuổi, miễn là cá nhân có tài sản hợp pháp thì hoàn toàn có thể góp vốn vào doanh nghiệp.
![]() |
Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. Ảnh: VPQH |
Tuy nhiên, quyền thành lập doanh nghiệp, tức là trở thành sáng lập viên, chịu trách nhiệm pháp lý cao nhất lại đòi hỏi người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tức từ đủ 18 tuổi trở lên. Điều này không chỉ liên quan đến quyền lợi của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến hàng loạt mối quan hệ pháp lý, kinh tế, xã hội mà một doanh nghiệp tạo ra khi vận hành.
Ông Ba đặt vấn đề: nếu cả nhóm sáng lập doanh nghiệp đều là người chưa đủ 18 tuổi thì sẽ ra sao? Ai chịu trách nhiệm về các giao dịch dân sự, hợp đồng, hoạt động tài chính, lao động, thuế? Liệu các em đã đủ năng lực nhận thức và kinh nghiệm để điều hành một pháp nhân kinh tế giữa thị trường cạnh tranh và đầy rủi ro?
Từ thực tiễn hoạt động pháp lý và nghiên cứu, ông Đồng Ngọc Ba cho rằng, nếu mở rộng quyền thành lập cho người từ 16 tuổi thì phải có đánh giá đầy đủ, dựa trên dữ liệu cụ thể và kiểm chứng thực tiễn, tránh để luật hóa các giả định chưa được lượng hóa về rủi ro và tác động xã hội.
Bên cạnh vấn đề độ tuổi, đại biểu Đồng Ngọc Ba cũng mạnh dạn đề xuất một nội dung cải cách quan trọng khác: đưa nguyên tắc “im lặng là đồng ý” vào Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, ông kiến nghị bổ sung quy định rằng trong trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh ngành nghề thông thường mà cơ quan nhà nước không phản hồi trong thời hạn quy định thì được coi là chấp thuận.
Theo ông, nguyên tắc này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia, trong đó có Úc – nơi thời gian xử lý hồ sơ có thể được tính bằng giờ. Trong khi đó tại Việt Nam, dù luật quy định thời hạn ba ngày, nhưng nhiều trường hợp thực tế kéo dài đến bảy hoặc mười ngày. Nếu áp dụng nguyên tắc im lặng là đồng ý, sẽ buộc các cơ quan có thẩm quyền phải nâng cao trách nhiệm, giảm thiểu trì trệ, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
Ông cho rằng, Luật Doanh nghiệp nên đi đầu trong việc đổi mới tư duy từ hành chính quản lý sang hành chính phục vụ, phản ánh đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, nếu cá nhân từ 16 tuổi có tiền tiết kiệm, tài sản hợp pháp và có ý tưởng khởi nghiệp thì hoàn toàn có thể góp vốn và thành lập doanh nghiệp như mở quán trà sữa, cửa hàng kinh doanh nhỏ. |