Hiệp hội vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội (HAPTA) vừa có văn bản gửi: Bộ trưởng Bộ Xây dựng- Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.
Theo văn bản của HAPTA, kể từ ngày 01/01/2025, Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 có hiệu lực thi hành. Tại điểm d Điều 59 của Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định: “Người đã 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, DIE, D2E, DE”; Và điểm e Điều 59 quy định “Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ”.
Năm 2021, Bộ luật Lao động năm 2019 đã nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động. Trong khi đó, lực lượng lao động là công nhân lái xe hạng D (cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe)) ngày càng ít, dẫn đến nhiều doanh nghiệp vận tải khan hiếm lao động.
Tại văn bản này, HAPTA kiến nghị Bộ Xây dựng, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội xem xét và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét chỉnh sửa Điểm e/ Điều 59 (Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ), cho phép người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe)) (Giấy phép lái xe hạng D) được lái xe đến hết tuổi nghỉ hưu theo luật Lao động năm 2019.
Thanh Thanh