Kỳ 2: TikTok Shop - “ma trận” hàng giả, hàng nhái “lòe” người tiêu dùng Kỳ 1: Sự tăng trưởng “nóng” của TikTok và nguy cơ tiềm ẩn nhiều hệ lụy |
Từ chối cung cấp dịch vụ với cá nhân vi phạm trên TikTok Shop
Theo ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình - Thông tin điện tử - từ ngày 22.5.2023, Bộ TTTT phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.
TikTok Shop tràn lan hàng giả. Ảnh chụp màn hình |
Sau hơn 4 tháng kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, nền tảng này chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop theo quy định. Chưa lưu trữ đầy đủ thông tin người bán theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ và chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định.
Do vậy, đoàn kiểm tra liên ngành đã đề nghị Bộ Công Thương có biện pháp xử lý buộc TikTok khắc phục ngay các sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ sàn thương mại xuyên biên giới vào Việt Nam.
Nền tảng này phải có giải pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi ứng dụng các sản phẩm cấm kinh doanh.
Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, TikTok cần có biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật. Với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, TikTok cần cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn/vĩnh viễn.
Tràn lan hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc
Ra mắt vào cuối tháng 4.2022, TikTok Shop đánh dấu sự hình thành của mảng kinh doanh thương mại điện tử của TikTok tại thị trường Việt Nam. Báo cáo thương mại điện tử (eCommerce) nửa đầu năm 2023 được Metric công bố, bảng xếp hạng thị phần doanh thu đã chứng kiến sự bứt tốc của TikTok Shop tại Việt Nam. Theo Metric, ở quý I/2023, TikTok Shop chiếm 15,5% thị phần doanh thu các sàn thương mại điện tử - đứng ở vị trí thứ 3. Sang quý II/2023, TikTok Shop chiếm 20% - đứng ở vị trí thứ 2, chỉ sau Shopee. Cụ thể, TikTok Shop ghi nhận tổng giá trị của tất cả các đơn hàng giao thành công đạt 16.300 tỉ đồng, với 117 triệu sản phẩm bán ra.
Dù TikTok Shop tuyên bố nghiêm cấm hàng giả, tuy nhiên, trên thực tế, bằng nhiều thủ thuật đơn giản, các gian thương vẫn tìm ra cách để sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng qua mặt nền tảng.
Chỉ cần lướt một vòng TikTok Shop, không khó để tìm mua các sản phẩm hàng giả, hàng nhái. “Dép Hơ mét chỉ hơn 1 triệu đồng, hàng siêu cấp đầy đủ hóa đơn, túi, vải nhé anh em” - đây là câu mời chào của một người bán dép trên TikTok.
Tuy nhiên, nhằm qua mắt cơ quan chức năng, tên những thương hiệu thời trang nổi tiếng đã bị viết lái đi. Thay vì ghi Hermès, Louis Vuitton... các chủ shop này sẽ viết tắt/cố tình viết sai chính tả thành HM, Hơ mẹt, Luôn Vui Tươi, Louis Vuituoi, Đì o... Tìm hiểu trên TikTok Shop cho thấy, những chiếc áo phông nhái thương hiệu Louis Vuitton được bán với giá từ 79.000 đồng đến 250.000 đồng. Hay chiếc đồng hồ được quảng cáo là của hãng Rolex được bán với giá 217.000 đồng...
Kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành đối với hoạt động của TikTok tại Việt Nam được Bộ TTTT công bố trong buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 5.10. Theo đó, hai pháp nhân của TikTok tại Việt Nam được kiểm tra gồm Văn phòng đại diện TikTok Pte. Ltd tại Thành phố Hồ Chí Minh (Văn phòng TikTok) và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam (Công ty TikTok Việt Nam).
Kết luận kiểm tra cho thấy, các sai phạm tại Việt Nam của TikTok bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em và về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Không chỉ vậy, kết quả kiểm tra cũng xác định một đơn vị thứ 3 là TikTok Singapore sẽ phải chịu trách nhiệm về việc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
laodong.vn