Đi đổ xăng, người dân cần thực hiện đúng quy định để không bị phạt
Dự thảo Nghị định mới đề xuất tăng mạnh mức xử phạt hành vi sử dụng điện thoại, bật lửa tại cây xăng.
Cây xăng là khu vực có nguy cơ cháy nổ cao do đặc điểm chứa và phát tán nhiên liệu dễ bắt lửa. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người dân vẫn phớt lờ các cảnh báo “cấm lửa – cấm sử dụng điện thoại” tại trạm bơm xăng, tạo nên mối đe dọa tiềm tàng cho an toàn công cộng.

Nhằm siết chặt quản lý và nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy trong cộng đồng, Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định mới đề xuất tăng mạnh mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm tại khu vực có nguy cơ cháy nổ, đặc biệt là cây xăng.
Vì sao không được dùng điện thoại ở cây xăng?
Theo các chuyên gia an toàn, điện thoại di động và các thiết bị sinh lửa (như bật lửa, diêm...) đều có khả năng phát ra tia lửa điện, dễ dàng kích hoạt phản ứng cháy nổ khi tiếp xúc với môi trường giàu hơi xăng – vốn rất dễ bắt cháy. Chính vì vậy, quy định cấm tuyệt đối sử dụng điện thoại tại cây xăng đã được đề cập rõ trong Thông tư 15/2020/TT-BCT.
Tất cả cửa hàng xăng dầu đều có nghĩa vụ treo biển cảnh báo rõ ràng, đặt tại khu vực dễ quan sát. Tuy nhiên, không ít trường hợp người dân vẫn cố tình sử dụng điện thoại để gọi điện, nhắn tin, chuyển khoản ngay trong khi đang đổ xăng.
Mức xử phạt hiện hành và đề xuất mới
Theo quy định hiện hành tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người dân mang điện thoại vào cây xăng có thể bị xử phạt hành chính từ 100.000 – 300.000 đồng, còn hành vi sử dụng điện thoại tại cây xăng bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định mới, mức phạt được đề xuất tăng mạnh với các nhóm hành vi vi phạm như sau:
- Phạt từ 3 – 5 triệu đồng: Với hành vi mang thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt như bật lửa, diêm, điện thoại di động... vào khu vực có biển cấm rõ ràng.
- Phạt từ 5 – 7 triệu đồng: Nếu sử dụng các thiết bị trên trong khu vực cấm và không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định về phòng cháy.
- Phạt từ 10 – 15 triệu đồng: Đối với hành vi sử dụng nguồn lửa, thiết bị sinh nhiệt tại khu vực cấm nghiêm ngặt, đặc biệt là hành vi hàn cắt, đốt nóng mà không có biện pháp phòng cháy. Nếu gây cháy nổ, mức phạt có thể tăng gấp đôi, thậm chí xử lý hình sự tùy theo mức độ thiệt hại.
Người dân cần lưu ý gì khi vào cây xăng?
Để đảm bảo an toàn và tránh bị xử phạt, người dân nên thực hiện nghiêm các khuyến cáo sau:
- Tắt điện thoại hoàn toàn trước khi vào khu vực bơm xăng.
- Không gọi điện, nhắn tin, thanh toán trực tuyến trong khu vực tiếp nhiên liệu.
- Nếu muốn chuyển khoản, hãy ra khu vực thanh toán riêng, theo hướng dẫn của nhân viên.
- Mang theo tiền mặt để thanh toán nhanh gọn, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trong khu vực nguy hiểm.
Trong thời đại số, điện thoại trở thành vật bất ly thân, nhưng việc sử dụng không đúng lúc, không đúng chỗ có thể gây hậu quả khôn lường. Thói quen dùng điện thoại tại cây xăng tưởng chừng vô hại, nhưng trong một số tình huống, có thể trở thành tác nhân kích nổ, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người dùng và những người xung quanh.