Long Thành - Changi: Hai sân bay hàng đầu du lịch Đông Nam Á Kinh tế đêm cần trở thành đòn bẩy cho du lịch Việt Việt Nam - Malaysia hợp tác chiến lược về hàng không, logistics, AI |
Sau hành trình rong ruổi xuyên Đông Nam Á cùng chiếc ô tô điện cá nhân, anh Phùng Thế Trọng, một người đam mê ô tô điện, chủ kênh Youtube hơn 136.000 lượt theo dõi trở lại Hà Nội với cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn.
Hành trình năm nay của anh Trọng và các bạn đồng hành mở rộng ra tới 6 quốc gia từ Việt Nam băng qua Lào, Campuchia, Thái Lan, rồi tiếp tục xuống Malaysia và Singapore. Họ đã đi tổng cộng 10.500 km trong vòng 28 ngày.
Từ chuyến đi xuyên Đông Nam Á bằng ô tô điện cá nhân, phóng viên Báo Công Thương đã trò chuyện với anh Phùng Thế Trọng để ghi nhận cảm nhận cá nhân về dịch vụ du lịch, cơ sở hạ tầng và những điểm thú vị ở mỗi quốc gia mà anh đã đi qua. Từ đó có thêm góc nhìn so sánh với trải nghiệm du lịch tại Việt Nam.
![]() |
Anh Phùng Thế Trọng (thứ hai, từ phải sang) mới trải nghiệm hành trình phượt Đông Nam Á. Ảnh: NVCC |
Biển Việt Nam quá đỉnh
- Sau chuyến đi, với vai trò là một khách du lịch, anh nhận thấy ngành dịch vụ du lịch Việt Nam có thể học hỏi để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách quốc tế?
Anh Phùng Thế Trọng: Trong số các nước chúng tôi đi qua, Thái Lan và Campuchia là hai quốc gia cho thấy họ làm du lịch rất tốt.
Ở Campuchia, điều tôi nhớ nhất là sự tận tâm và tinh tế trong phục vụ, từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ở bất cứ hàng quán ven đường nào, dù lớn hay nhỏ, cũng đều có người hướng dẫn đỗ xe một cách chuyên nghiệp. Họ kiên nhẫn giúp đỡ đến khi bạn vào bãi an toàn mới thôi. Khi ra về, họ lại chủ động phân làn cho bạn rời bãi một cách an toàn.
Dù giá vé tham quan tại các điểm như Siem Reap (Campuchia) có thể lên tới gần 40 USD/ngày (gần 1 triệu đồng), không hề rẻ, nhưng sự chuyên nghiệp và sạch sẽ ở các điểm công cộng khiến du khách sẵn sàng chi trả mà không đắn đo. Họ giữ được nét đặc sắc riêng, không bị lai tạp hay đại trà.
Trong khi đó, Thái Lan là thiên đường du lịch đúng nghĩa ở Đông Nam Á. Họ biết cách đa dạng hóa sản phẩm du lịch từ lễ hội té nước, du lịch tâm linh, biển đảo, đến cả các hoạt động cảm giác mạnh như bắn súng, hay những show nổi tiếng thế giới. Khách tới Thái luôn có những trải nghiệm mới mẻ. Giao tiếp tiếng Anh của người Thái cũng rất tốt, giúp du khách quốc tế cảm thấy thuận tiện và gần gũi.
![]() |
Biển Phuket tại Thái Lan. Ảnh: NVCC |
Đối với Việt Nam, tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là du lịch biển. Nhiều lần trong chuyến đi, nhóm chúng tôi cùng nhau thốt lên: “Đi khắp Đông Nam Á để rồi nhận ra biển Việt Nam quá đỉnh!”
Cá nhân tôi thấy những bãi biển nổi tiếng ở Campuchia như Sihanoukville, hay Phuket và Pattaya của Thái, thậm chí Kuala Terengganu hay Kuantan của Malaysia đều không thể so với những bãi biển đẹp như tranh ở Việt Nam. Nếu được đầu tư đúng mức, đây sẽ là điểm kéo du khách quốc tế quay trở lại nhiều lần.
Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế lớn về văn hóa, sự đa dạng, phong phú và có chiều sâu. Các nước khác làm rất tốt việc "đóng gói" văn hóa bản địa thành trải nghiệm du lịch hấp dẫn. Nếu chúng ta biết cách khai thác những nét riêng của từng vùng, kết hợp với các hoạt động khám phá và tương tác thì chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ thăng hạng.
![]() |
Đường ven biển tại thành phố Phan Thiết trong một chuyến đi khác của anh Phùng Thế Trọng. Ảnh: NVCC |
Giao thông Thái, Singapore tiện lợi, nhưng trạm sạc xe điện ở Việt Nam vượt trội
- Trong hành trình xuyên 6 nước bằng xe điện, anh đánh giá ra sao về trải nghiệm hạ tầng giao thông của các nước?
Anh Phùng Thế Trọng: Thái Lan, Malaysia hay Singapore đều có hệ thống giao thông công cộng rất phát triển. Du khách có thể đi lại dễ dàng bằng xe buýt, tàu điện với sự sạch sẽ, thuận tiện và kết nối tốt. Tôi rất ấn tượng với cách họ kết nối các sân bay lớn với trung tâm thành phố bằng tàu điện. Khi xuống sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) hay Changi (Singapore), bạn chỉ cần vài chục phút là có thể vào trung tâm bằng tàu, vừa nhanh, vừa rẻ.
Với người lái xe ô tô, tôi đặc biệt chú ý đến hệ thống cây xăng, đặc biệt là khi đi xe điện. Ở Thái và Malaysia, các trạm xăng quốc gia đều tham gia vào việc phủ trạm sạc. Tuy nhiên, mỗi điểm thường chỉ có khoảng 2 cổng sạc, nên nếu đông xe là phải chờ khá lâu.
![]() |
Sự khác biệt của hạ tầng giao thông các nước là điều gây chú ý đối với đoàn du lịch. Ảnh: NVCC |
Campuchia và Lào thì hệ thống trạm sạc còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở thành phố lớn. Những khu vực xa hơn gần như chưa có. Singapore đang nỗ lực mở rộng nhưng diện tích quốc gia nhỏ, quỹ đất hạn chế nên xây trạm sạc là bài toán khó. May mắn là với diện tích của Singapore, một chiếc xe điện phổ thông có thể đi vài vòng quanh đảo mà không cần sạc lại, nên vấn đề cũng không quá nghiêm trọng.
Trong khi đó, VinFast tại Việt Nam làm rất tốt khoản này. Mạng lưới trạm sạc dày đặc, số lượng cổng sạc tại mỗi điểm cũng nhiều hơn hẳn, giúp người dùng yên tâm hơn, đặc biệt ở các khu vực không quá đông xe dịch vụ.
Những khoảnh khắc khó quên trên cung đường 10.500 km
- Xuyên suốt hành trình, đâu là điểm đến khiến anh ấn tượng nhất? Anh có thể kể lại trải nghiệm ấy một cách cụ thể được không?
Anh Phùng Thế Trọng: Thật khó để chọn ra một điểm duy nhất, vì mỗi quốc gia trong chuyến đi đều để lại những dấu ấn rất riêng.
Ở Campuchia, tôi bị choáng ngợp trước vẻ hùng vĩ đến khó tin của kiến trúc Angkor. Tới Thái Lan đúng mùa lễ hội té nước, không khí náo nhiệt, đông vui khiến ai cũng cuốn theo. Ở Malaysia, tôi thực sự ngạc nhiên với cơ sở vật chất hiện đại, sự sạch sẽ và chỉn chu.
Singapore lại là nơi tôi tìm thấy những người có cùng đam mê xe điện, một cảm giác rất đặc biệt khi gặp được "đồng môn" ở đất nước xa lạ. Còn Lào thì để lại trong tôi cảm giác thân thuộc và bình yên, đặc biệt là ở Vang Viêng (Lào), nơi mà thời gian dường như trôi chậm lại.
Nhưng nếu để nói về hai trải nghiệm đáng nhớ nhất là lần nhập cảnh vào Thái Lan qua cửa khẩu Chong Trom. Do tình hình thời gian gần đây có nhiều trường hợp phức tạp, nên thủ tục nhập cảnh đường bộ bị siết chặt. Khác hẳn với việc bay thẳng, lần này chúng tôi gần như mất cả một ngày để hoàn tất thủ tục. Phía đối tác tour Thái Lan đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, từ việc trình lịch trình di chuyển, xác nhận đặt khách sạn, chứng minh tài chính cho đến nêu rõ lý do nhập cảnh.
![]() |
Hệ thống cây xăng PTT của Thái Lan bao gồm nhiều dịch vụ, gồm bảo dưỡng ô tô. Ảnh: NVCC |
Tiếp đến là hệ thống cây xăng PTT ở Thái Lan. Với nhiều người, cây xăng chỉ đơn thuần là nơi tiếp nhiên liệu. Nhưng ở Thái, PTT lại là một tổ hợp dịch vụ đáng kinh ngạc gồm đổ xăng, trạm sạc xe điện, cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, quán cà phê, hiệu giặt là, khu bảo dưỡng xe,… tất cả đều có. Chúng tôi ăn uống, nghỉ ngơi, sạc xe đều ở đây. Nhiều lần trong chuyến đi, tôi đã nghĩ: giá như ở Việt Nam có nhiều hơn những tổ hợp tiện nghi như vậy!
- Xin cảm ơn anh về những chia sẻ chân thực và hữu ích. Chúc anh tiếp tục có những hành trình truyền cảm hứng.
Hành trình xuyên Đông Nam Á không chỉ mang đến cho anh Phùng Thế Trọng những trải nghiệm đáng nhớ mà còn củng cố niềm tin vào tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam. Với lợi thế thiên nhiên, văn hóa và hạ tầng xe điện đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tầm, trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực nếu biết đầu tư và khai thác hiệu quả. |