Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ hai trong năm nay của ECB trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu có dấu hiệu chậm lại và lạm phát cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, tuy chưa được kéo giảm về tới mục tiêu 2%.
Phát biểu tại họp báo sau khi quyết định trên được đưa ra, bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB cho biết, việc hạ lãi suất lần này được quyết định dựa trên sự đồng thuận từ các thành viên, không giống như lần cắt giảm trước đó vào tháng 6, khi vấp phải sự phản đối của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Áo, ông Robert Holzmann.
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới hiện đang thực hiện lộ trình hạ lãi suất sau nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt, trong đó, FED được kỳ vọng sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tuần tới.
Đề cập đến mục tiêu lạm phát 2% của ECB, bà Christine Lagarde lưu ý, các dữ liệu gần đây "khiến chúng tôi an tâm rằng, chúng tôi đi đúng hướng tới mục tiêu của mình".
Lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã chậm lại vào tháng 8. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát khu vực đã giảm từ 2,6% trong tháng 7/2024 xuống còn 2,2% trong tháng 8/2024, mức thấp nhất ghi nhận trong 3 năm.
Trong khi đó, sản lượng công nghiệp giảm cả ở Đức và Ý cũng làm dấy lên lo ngại rằng, nền kinh tế này đang chậm lại sau giai đoạn tăng trưởng ngắn vào đầu năm nay.
“Áp lực chi phí lao động đã giảm bớt và tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp giảm xuống đang phần nào bù đắp được tác động của việc tiền lương tăng cao đối với lạm phát. Các điều kiện tài chính vẫn còn hạn chế và hoạt động kinh tế vẫn còn yếu, phản ánh tiêu dùng và đầu tư tư nhân yếu”, ECB nhấn mạnh.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy, lợi nhuận doanh nghiệp gia tăng đã chiếm gần một nửa mức tăng lạm phát của châu Âu trong 2 năm qua, khi các công ty tăng giá nhiều hơn để bù đắp chi phí nhập khẩu năng lượng tăng vọt.
Bà Christine Lagarde cũng phát tín hiệu ECB sẽ có thêm những đợt cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, nhưng hạ thấp khả năng có một đợt giảm lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 10. Chủ tịch ECB lưu ý rằng, chỉ còn một “khoảng thời gian tương đối ngắn” từ nay cho tới cuộc họp tháng 10 và và mặc dù lạm phát có khả năng tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 9, ECB sẽ “không chỉ xem xét một chỉ số duy nhất” để đưa ra quyết định lãi suất.
Martin Wolburg, chuyên gia kinh tế tại Generali Investments, đánh giá, ECB đã tự tin hơn vào đà giảm của lạm phát và có thể thấy, tác động của mức tăng lương cao đối với lạm phát đang được hấp thụ bởi tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp giảm xuống.
Đối với dự báo tăng trưởng kinh tế, ECB ước tính mức tăng trưởng nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu cả năm nay là 0,8%, giảm nhẹ so với mức dự báo 0,9% đưa ra hồi tháng 6. Tương tự, ECB cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2025 từ 1,4% xuống 1,3%, trên cơ sở “nhu cầu nội địa sẽ đóng góp yếu hơn trong vài quý tới”.
Bên cạnh đó, ECB cũng giữ nguyên dự báo lạm phát năm nay ở mức 2,5% và năm 2025 ở mức 2,2%, tuy nhiên tăng nhẹ dự báo lạm phát lõi, không bao gồm năng lượng và thực phẩm, lên 2,9% trong năm nay.
Frederik Ducrozet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Kinh tế vĩ mô tại Pictet Wealth Management cho biết: "Nếu có mối lo ngại nào, thì đó rất có thể là mối lo nhu cầu đang chậm lại. Do đó, tôi nghiêng về khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn và nhanh hơn vào cuối năm nay".
Konstantin Veit, Giám đốc danh mục đầu tư tại nhà đầu tư Pimco, cho biết ông dự kiến chính sách tiền tệ của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ vẫn hạn chế do lạm phát dịch vụ ở mức 4,4% vào tháng 7 Chuyên gia này dự báo lần cắt giảm lãi suất tiếp theo của ECB sẽ diễn ra vào tháng 12.
Quỳnh Lê